451 độ F – Sách đang tuyệt chủng!
REVIEW SÁCH

451 độ F – Sách đang tuyệt chủng!

Tôi đang cảm thấy mình rất may mắn. Phải, rất may mắn. Vì sao? Vì tôi có niềm đam mê đọc sách mãnh liệt. Tôi có lẽ thuộc vào dạng thiểu số 5% so với 95% số người còn lại nghiện truyền hình và mạng xã hội. Nếu Ray Bradbury tác giả cuốn sách “451 độ F” còn sống, chắc ông cũng phải tán thưởng tôi: “Chúc mừng bạn đã không dễ dàng bị truyền thông thống trị và để nó lấy đi tri thức của bạn”. Đây cũng là điều tôi vui mừng khi đọc xong “451 độ F”, tôi thấy mình là người hạnh phúc nhất trong thế giới mà Ray Bradbury đã vẽ ra. Tuy tôi nói ông “vẽ ra”, nhưng thực tế là nó đang diễn ra, cuốn sách là những lời tiên tri của ông và điều đó đang thật sự diễn ra, ngay tại thế giới này.

Tóm tắt nội dung cuốn tiểu thuyết “451 độ F”

Bạn đã nghe lính cứu hỏa, vậy bạn đã nghe đến lính “phóng hỏa” trong tác phẩm 451 độ F chưa? Guy Montag đã là lính phóng hỏa đã 10 năm, công việc của anh và những người lính phóng hỏa như anh là đốt sách. Một xã hội coi tàng trữ sách là phạm pháp, và nhiệm vụ của họ là châm mồi cho lửa cháy, cháy sạch, khi phát hiện bất cứ ai đang cố tình làm trái pháp luật.

Nhưng Montag là người duy nhất được “giác ngộ”. Đầu tiên là sự kì lạ và khác biệt của cô bé hàng xóm Clarisse mà anh gặp. Cô là người biết dừng lại để nhìn nhận mọi thứ xung quanh, cô khiến anh cũng phải dừng lại để suy nghĩ về sự tồn tại của mình, về vợ anh, chung sống đã lâu nhưng như một người xa lạ:

Đôi khi em nghĩ những người lái kia chẳng biết cỏ hay hoa là cái gì, bởi họ chẳng bao giờ nhìn chúng một cách chậm rãi hết”,”Nếu anh cho một tay tài xế xem một vệt mờ màu xanh lục thì, Ồ vâng, là cỏ đây, y ta sẽ nói. Một vệt mờ màu hồng? Ừ thì một vườn hồng! Những vệt mờ màu trắng là nhà cửa. Vệt mờ màu nâu là mấy con bò. Ông bác em có lần lái xe chậm trên xa lộ. Bác ấy lái bốn mươi dặm một giờ, thế là người ta giam bác ấy hai ngày. Chuyện ấy chẳng phải tức cười sao, mà cũng buồn cười nữa?”

Sau đó là những lần anh phải chứng kiến cảnh một người nguyện chết để bảo vệ cuốn sách, bảo vệ tri thức của mình. Đoạn cuối trong cuốn sách “451 độ F” anh còn gặp được những người đàn ông bị xã hội ruồng bỏ, những người thuộc lớp trí thức, và anh hiểu được sách quan trọng với họ tới nhường nào. Họ đọc và ghi nhớ hết tất cả cuốn sách, có thể nói não của họ là cả một thư viện, sau khi chết sẽ truyền lại cho con cháu, họ quyết không để lửa và truyền thông giết chết tri thức.

“Và đừng bao giờ buông lơi ý nghĩ này: Các bạn không hề quan trọng. Các bạn chẳng là gì hết. Một ngày nào đó gánh nặng ta mang theo mình có thể giúp cho ai đó. Nhưng ngay cả hồi còn có sách trong tay, đã lâu rồi, chúng ta cũng đâu có dùng những gì thu được từ sách. Chúng ta cứ vậy mà sỉ nhục người đã chết. Chúng ta cứ vậy mà nhổ lên nấm mồ tất cả những người đáng thương chết trước chúng ta. Tuần sau tháng sau năm sau chúng ta sẽ gặp nhiều người cô độc. Và khi họ hỏi chúng ta đang làm gì, các bạn có thể nói: Chúng tôi đang ghi nhớ. Ấy là chỗ mà về lâu dài chúng ta sẽ thắng. Và một ngày nào đó chúng ta sẽ nhớ nhiều đến nỗi chúng ta sẽ làm ra cái máy xúc chạy hơi nước to nhất trong lịch sử, đào nấm mồ to nhất mọi thời đại, hất chiến tranh vào đó rồi lấp lại.”

Một xã hội nơi con người trở thành nô lệ của truyền thông

451 độ F

Cô giáo dạy Tiếng Anh hồi cấp 2 của tôi có hay nhắc nhở chúng tôi về tác hại của mạng truyền thông, cô hay gắn thẻ chúng tôi trên facebook một bài hát Tiếng Anh thuộc đề tài này (tôi không nhớ chính xác tên bài hát), đại khái bài hát nói về sự cô đơn của nhân vật “tôi”. “Tôi” có vài trăm bạn bè trên facebook, nhưng lại không có một ai để trò chuyện. “Tôi” cảm thấy con người đang ngày càng lạm dụng mạng xã hội để giao tiếp, nhưng thực tế khả năng giao tiếp ngoài thực tế của chúng ta đang ngày càng hạn chế, thậm chí khi đối mặt với đối phương ta không thể thốt ra từ nào.

Đó cũng chính là những điều mà tác giả Ray Bradbury khi viết cuốn tiểu thuyết “451 độ F” vào năm 1953 đã tiên đoán. Điều gì còn kinh khủng hơn việc con người dành phân nửa thời gian của ngày, của cuộc đời mình vào các “bức tường phòng khách”. Guy Montag nói với vợ: “Em làm ơn tắt TV được không?”. Cô trả lời: “Đó là gia đình em”. Có buồn cười không khi lại đến nỗi xem giải trí và truyền hình là người thân trong gia đình của mình.

Con người ngày càng cung phụng “truyền thông”, lười đọc, lười tư duy, không muốn sáng tạo. Vậy nên, ngày càng có nhiều những luật lệ ngu ngốc được đặt ra như bị bắt vì tản bộ; biển quảng cáo phải được thiết kế dài 70m thay vì 7m để cho những gã lái xe có thể đọc được; và tất nhiên không được tàng trữ sách…

Lúc đầu tôi đọc cuốn sách “451 độ F“, tôi thấy thật buồn cười khi lại có những luật lệ vô lí ấy ra đời. Nhưng nghĩ cho cùng, nếu con người cứ tiếp tục sống buông thả cho đầu óc mình không được hoạt động, tư duy như thế, những hành động, luật lệ phi lí trí như trên chắc chắn sẽ xảy ra.

Gần đây, tôi có đọc một con số thống kê rất thú vị: Người Việt Nam chỉ đọc trung bình 0,8 cuốn sách/năm. Trong khi đó, người Nhật Bản đọc 10-20 cuốn sách/năm. Nói đến đây chắc bạn cũng hiểu tôi muốn so sánh điều gì. Đó là lí do tại sao đất nước Nhật Bản lại văn minh đến thế. Nhìn vào ví dụ về việc xếp hàng và đúng giờ của họ sẽ thấy, hai thứ trở thành “đặc sản” của họ.

Còn người Việt Nam thì sao? Cũng không lạ gì một đất nước nhỏ bé, số dân ít hơn nhưng số lượng người sử dụng mạng xã hội như Facebook và thời gian sử dụng lại nằm trong top. Bạn tôi, một “con nghiện” Facebook tưởng rằng mình sẽ có nhiều thông tin và kiến thức khi mỗi ngày đều dạo mạng xã hội vài giờ nếu không phải đi học. Kết quả là sao? Tôi, một con mọt sách được cho là người sống chậm.

Thật, tôi không hay theo dõi những tin tức (mà hầu như toàn tin tức trong showbiz) trên đó. Vậy nên, theo tôi thấy, nếu bạn không biết một “drama” hay một ca sĩ nào đang “hot”, tức là bạn là người kém hiểu biết trong xã hội hiện đại này.

Sách và tôi

451 độ F

Tôi sống ở một tỉnh lẻ, nhỏ thôi, kinh tế cũng không phải khá. Nhưng nếu so sánh về số lượng đầu sách được đọc ở tỉnh tôi và những tỉnh lớn khác thì con số chênh lệch cũng không lớn lắm (có thể vì tỉnh tôi dân số ít hơn). Tôi có thể tin rằng trong cả tỉnh tôi chỉ có 3% số người đọc các sách ngoài sách giáo khoa. Vì sao tôi lại có thể khẳng định dễ dàng như thế? Ngay trong trường tôi, hơn một ngàn học sinh, nhưng tôi có thể đưa ra thử thách: bạn hãy tìm ra 10 học sinh đam mê đọc sách.

Tôi đã thử, tôi đã muốn lập ra câu lạc bộ trong trường nhưng tôi khó có thể thực hiện được chỉ với chưa tới 10 thành viên. Hay mỗi lần vào thư viện, tôi tưởng như tất cả số sách ở đây đang đợi tôi đến đọc và tôi không ngạc nhiên khi mỗi lần vào đây chỉ có một mình tôi.

Tôi cảm thấy thế giới tôi đang sống cũng hệt như của Montag trong “451 độ F” vậy. Đôi lúc tôi cũng không hiểu tại sao bạn bè lại dè bỉu sở thích đọc sách của tôi. Đứng ở một nơi công cộng và phải ngồi chờ một điều gì đó, mọi người sẽ nhìn tôi nếu tôi lấy một cuốn sách ra đọc thay vì lướt điện thoại như họ.

Nhiều lần tôi cũng không muốn bản thân lạc loài trong những tình huống ấy, tôi lấy điện thoại ra và bấm, nhưng thật vô vị, tôi quyết định không “lừa dối” bản thân và mặc kệ con mắt nhìn của họ. Sao họ lại có thể nhìn tôi như  một sinh vật lạ chứ, thật vô lí hết sức khi tôi lại cảm thấy không biết mình đang đọc sách hay đang làm chuyện phạm pháp.

Nên chọn mua sách giấy thay vì đọc sách online

Có rất nhiều bạn chọn cho mình đọc sách online trên mạng, nhưng theo nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc đọc sách online trên các thiết bị di động không mang lại hiệu qua bằng việc đọc một cuốn sách giấy. Việc đọc sách online cũng làm cho bạn mất tập trung và bị phụ thuộc vào các thiết bị di động ngày càng nhiều. 

Cảm giác của mình cũng vậy, thích nhất là mỗi buổi sáng tinh mơ, được cầm cuốn sách mình yêu thích và nghiền ngẫm những thông điệp từ sách bên cạnh một tách trà nóng phải không nào!

Tôi rất thích câu khẩu hiệu của một hiệu sách cũ trên mạng: “Đọc sách hay là chết”, đúng đọc sách hay là chết. Nếu bạn không đọc, bạn sẽ chết đi vì ngu dốt, bạn sẽ sống ở thế giới hiện đại với những công nghệ truyền thông tiên tiến nhưng suy nghĩ của bạn, kiến thức của bạn sẽ như người tiền sử. Bởi lẽ, sách là những tư liệu được đúc kết qua nhiều thế kỉ, qua quá trình đấu tranh và tiến hóa của loài người, không đọc thì bạn sẽ chết, thế thôi.

Nếu bạn đã từng đọc qua cuốn sách “451 độ F” này, hoặc là cuốn sách nào khác và cảm thấy hay. Bạn hãy comment lại bên dưới để chúng ta hiểu bạn hơn và đó cũng là một thông điệp mà bạn gửi gắm đến các bạn trẻ.

Cảm ơn bạn đã đọc bài review, nếu có điều kiện hãy mua sách “451 độ F” tại đây để ủng hộ blog con học giỏi nhé  😆 

Xem giá bán tại Tiki

 

3
Để lại bình luận

avatar
100
2 Comment threads
1 Thread replies
0 Followers
 
Most reacted comment
Hottest comment thread

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  Subscribe  
Notify of
Ngô Văn Vụ
Guest
Ngô Văn Vụ

Một cuốn sách đáng để đọc

Mai Khánh Hiền
Guest
Mai Khánh Hiền

Ảnh minh họa đẹp