Call me by your name, một bộ phim làm chao đảo màn ảnh rộng năm 2017 được cả giới chuyên môn và khán giả hết mức ca ngợi. Nó đã chạm tới cảm xúc người xem bằng những cảnh quay vô cùng đẹp đẽ tại Ý và tình yêu mãnh liệt của hai nhân vật chính trong phim. Những ai đã xem Call me by your name chắc hẳn đã biết rằng bộ phim là một chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn André Aciman. Cuốn sách này được độc giả Việt Nam biết tới với tên Gọi em bằng tên anh của dịch giả Nhật Khoa do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Tiểu thuyết này không mang nặng những triết lý xa. Đây là một tác phẩm mang ý nghĩa nhẹ nhàng về tình yêu đồng giới. Một cuốn sách vô cùng cuốn hút người đọc nhưng cũng để lại nỗi dằn vặt, xót xa khi giở đến trang cuối cùng.
Có một điều chắc chắn rằng nếu như chỉ xem phim thôi mà không đọc sách thì đó quả là một thiếu sót rất lớn. Có thể ta sẽ bỏ lỡ nhiều điều được đề cập đến trong cuốn sách mà không được đưa lên trên màn ảnh. Đọc Gọi em bằng tên anh để thấu hiểu tâm trạng của các nhân vật hơn, những suy nghĩ của nhân vật mà khó có thể phát hiện khi xem phim. Nhiều người sau khi đọc sách đều nhận thấy rằng nó như là một phần đầy đủ hơn cho câu chuyện tình đang còn dang dở.
Gọi em bằng tên anh là câu chuyện tình yêu bất ngờ và mạnh mẽ nảy nở giữa thiếu niên 17 tuổi tên Elio với Oliver. Oliver là một khách trọ tại căn biệt thự của ba mẹ Elio tại vùng duyên hải Riviera nước Ý. Truyện được lấy bối cảnh đầu thập niên 1980. Trong những tuần mùa hè sôi động ấy, dòng chảy cuồn cuộn ám ảnh và đam mê bị kìm nén càng làm mãnh liệt thêm tình yêu giữa hai chàng trai trẻ. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của André Aciman là một khúc bi ca chân thành và cảm động về tình yêu. Một cuốn sách không thể nào quên.
Tiểu thuyết Gọi em bằng tên anh xuất bản lần đầu vào năm 2007 và sau đó được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới. Cuốn tiểu thuyết đầu tay này đã mang về cho Aciman rất nhiều giải thưởng đồ sộ. Trong đó phải kể đến Giải tiểu thuyết chủ đề đồng tính luyến ái tại Giải thưởng văn học Lambda lần thứ 20. Ngoài ra, tác phẩm còn được bầu chọn là Sách Nổi bật của năm (New York Times, 2007), Sách hay nhất năm (Publishers Weekly, 2007), Sách Hư cấu hay nhất năm (Washington Post, 2007), Sách yêu thích của năm (Chicago Tribune, 2007) và Sách yêu thích của năm (Seattle Times, 2007).
Mục lục
1. Cảm xúc mạnh mẽ của cậu nhóc mới lớn
Nếu như bộ phim Call me by your name được kể qua góc nhìn thứ ba thì tiểu thuyết Gọi em bằng tên anh được viết theo lời kể của Elio. Elio là một cậu con trai thông minh và tài năng của một giáo sư cổ học – người mà sẽ giúp Oliver thực tập trong mùa hè này. Trong suốt cuốn sách, những sự việc diễn ra xung quanh và cả suy nghĩ, hành động của Elio đều được tác giả Aciman miêu tả vô cùng kĩ lưỡng. Có lẽ bởi vậy nên nội tâm của nhân vật nổi bật hơn hẳn. Mạch suy nghĩ của Elio cho người đọc cảm thấy mọi thứ trong cuộc sống của cậu thật chân thực và khiến cho ta có cảm giác mình đang yêu và được trải qua.
Ngay từ lần gặp mặt đầu tiên, Oliver – cậu bạn sinh viên mới chuyển vào đã để lại ấn tượng mạnh trong lòng Elio. Nó không phải là một ấn tượng tốt đẹp gì nhưng người này thực sự rất kì quặc trong mắt Elio lúc ấy. Cậu bắt đầu gặp mặt và tiếp xúc với Oliver nhiều hơn qua các bữa ăn hay những lần đạp xe quanh thị trấn. Rồi đến một lúc nào đó, cậu nhận ra mình không thể sống thiếu Oliver. Sự xuất hiện của Oliver như làm đảo lộn cuộc sống của cậu, vì anh đã khơi dậy một cảm giác lạ lùng mà cậu chưa có bao giờ. Từ đó cậu khám phá ra chính bản thân mình.
Cậu để ý từng lời nói, cử chỉ của Oliver hơn. Cậu sợ hãi mỗi khi nói ra suy nghĩ của mình trước mặt anh. Cậu cảm thấy bức bối, khó chịu nhưng đôi khi cũng cảm thấy thích thú, phấn khích trước khát khao cháy bỏng mạnh mẽ đang chảy trong cậu. Cậu trở nên lúng túng và lo lắng mỗi khi phải nói chuyện với Oliver. Nhưng cậu cũng chờ đợi và ghi nhớ từng câu trả lời của anh chàng kia. Cậu chán nản, uể oải khi chưa thấy anh về. Suy nghĩ cả ngày về anh không thôi. Cậu cảm thấy lạc lõng và cố tìm những thứ để thay thế anh, để loại bỏ anh trong đầu mình. Không chỉ vậy, cậu cố tỏ ra khó chịu và trả lời cụt ngủn trước mặt anh, rồi sau đó lại cảm thấy hối hận, bứt rứt. Diễn biến tâm trạng, cảm xúc và hành động của Elio thể hiện cậu yêu mến và mong muốn Oliver biết nhường nào.
Việc bộc lộ tình cảm của mình đối với Oliver lại càng trở nên khó khăn hơn đối với cậu.
“Một buổi tối nọ lúc đang đọc sách trong phòng đọc của bố, tôi gặp câu chuyện về một chàng hiệp sĩ trẻ đẹp si mê một nàng công chúa. Nàng cũng yêu chàng, dù rằng nàng có vẻ không hoàn toàn nhận biết điều ấy, và dù tình bạn nảy nở giữa họ, hoặc có lẽ vì chính tình bạn ấy, chàng thấy mình sao quá đỗi hèn mọn và nghẹn ngào bởi sự trong trắng đến đáng sợ của nàng, đến nỗi chàng hoàn toàn không thể nói lên được tình yêu của mình. Một ngày kia chàng thẳng thừng hỏi nàng: “Nói ra hay chết quách đi thì tốt hơn?”
Đó là Elio. Nhưng để đánh giá Oliver thì là chưa đủ. Cậu cởi mở, thông thái nhưng đôi lúc lại hành động một cách khó hiểu. Nói chung cậu rất kì lạ và bí ẩn. Bởi ta chỉ mới thấy anh qua con mắt chủ quan của Elio. Nhưng lời nói của Oliver thì đủ chứng minh rằng anh cũng thích Elio rất nhiều.
2. Sự đồng điệu đến từ hai phía
Như vậy, cách tạo hình hai nhân vật khác lạ và đặc biệt đã tạo nên sức hút của tác phẩm. Các hành xử của Elio và Oliver đến một cách tự nhiên và giản dị, chân thật. Ban đầu họ cho rằng những cảm xúc mình có đối với người kia là không thể chấp nhận được nên luôn cố né tránh và xa nhau hơn. Nhưng có lẽ việc cố gắng rời xa nhau chỉ càng khẳng định tình yêu của họ dành cho nhau hơn mà thôi.
Tình cảm của Elio và Oliver hiện ra một cách trong trẻo, rực rỡ. Bối cảnh thơ mộng của mùa hè nước ý đã góp phần làm cho câu chuyện của họ thêm lãng mạn và quyến rũ. Thành Rome, bể bơi, khu vườn, căn nhà, sân quần vợt,… Tất cả nơi này đều vẽ nên kí ức tuyệt đẹp giữa Elio và Oliver.
Những lần họ đi chơi hay đọc sách, nói chuyện cùng nhau thật đẹp đẽ nhưng cũng thật đau đớn. Thẳm sâu bên trong họ luôn có nỗi bất an. Sự bất an đến với họ không phải là từ cái nhìn của mọi người khi biết về mối quan hệ của họ. Mà nó là nỗi bất an về tương lai. Mỗi ngày trôi qua cả Elio và Oliver đều sợ rằng sẽ sớm phải đến ngày họ chia tay nhau vì họ còn phải trở lại với cuộc sống ban đầu của mình nữa.
Còn một điều nữa, trái đào cũng được nhắc đến trong cuộc tình của hai cậu. Nhưng tại sao lại là đào?
Trong thần thoại Trung Quốc, đào là biểu tượng của sự trường thọ và bất tử, thường được đề cao trong nghệ thuật và truyện ngụ ngôn Trung Quốc. Có một cậu chuyện kể về một vị hoàng đế đem lòng yêu một nam triều thần và phải giữ bí mật không để ai biết. Một ngày nọ, triều thần chọn một quả đào đặc biệt ngọt và sau khi cắn một miếng, anh đưa phần còn lại cho hoàng đế. Hoàng đế rất say mê cử chỉ đó đến nỗi ông đã công khai tình yêu của mình dành cho anh triều thần kia. Kể từ đó, tình yêu giữa hai người đàn ông đã được gọi là “sự san sẻ trái đào” trong văn hóa Trung Quốc cổ đại.
Như vậy, tình yêu của Elio và Oliver cũng vậy. Thích nhau ngay lập tức, đến với nhau thật vội vã, cùng nhau tận hưởng cảm giác bên nhau một cách nhanh chóng, đó là Elio và Oliver.
“Hãy gọi anh bằng tên em, và anh sẽ gọi em bằng tên anh.”
Họ gọi nhau bằng chính tên của mình để thể hiện tình yêu của mình. Hai tâm hồn như hòa làm một. Anh là em. Em là anh.
3. Những thứ tạo nên sự hoàn hảo của tác phẩm Gọi em bằng tên anh
Ngoài ra, nàng Chiara, cô bé Vimini, dì Mafalda, Marzia,… đều là những người có vai trò giúp cho Elio nhận ra tình cảm đặc biệt của mình dành cho Oliver. Đặc biệt phải kể đến cha của cậu. Ông thấu hiểu và ủng hộ con trai của mình. Ông dành những lời khuyên từ sự hiểu biết dành cho cậu. Mọi người xung quanh câu chuyện đều đáng được ta khâm phục và trân trọng. Họ biết nghĩ cho nhau và ủng hộ những việc làm của nhau. Cha của Elio từng nói thế này với cậu:
“Nhưng hãy nhớ trái tim và thân thể ta chỉ được nhận lấy có một lần thôi. Hầu hết mọi người cứ sống như là có hai cuộc đời để sống vậy, một cuộc đời làm nháp, một cuộc đời hoàn chỉnh, rồi mọi phiên bản khác ở giữa. Nhưng chỉ có một mà thôi, trước khi con kịp nhận ra thì tim con đã mòn mỏi, còn thân thể con đến lúc sẽ chẳng còn ai thèm nhìn nữa chứ đừng nói là tới gần. Ngay lúc này thì có sầu khổ đó. Cha không ghen tị với nỗi đau, cha ghen tị với nỗi đau của con.”
André Aciman có một lối viết khiến cho người đọc không bị ngắt nhịp hay bị chán. Mọi thứ tác giả kể đều với một nhịp chậm rãi và sâu lắng. Vì thế nên người đọc sẽ mãi giữ được cảm xúc trong lòng. Các cảm xúc ấy sẽ đọng lại một lúc lâu khiến ta như đang sống và trải qua cùng nhân vật. Những chi tiết mà tác giả chọn để kể vô cùng đắt giá, không hề thừa một chút nào. Một khi các chi tiết được đưa vào cuốn sách thì chắc chắn sẽ có lí do. Có thể nó chỉ là một phần nhỏ bé tầm thường trong cuộc sống, nhưng nó đủ để làm cho nhân vật hạnh phúc.
Gọi em bằng tên anh tuy là một câu chuyện về tình yêu đồng giới nhưng bạn không bắt buộc phải trong cộng đồng LGBT để thấu hiểu được họ. Nó là một câu chuyện đẹp đẽ về tình yêu đáng để đọc.
4. Một cuốn sách đáng để suy ngẫm
Sau đây là một số nhận xét của các độc giả:
“Cuốn tiểu thuyết này nóng bỏng. Tuột bức thư tình, một câu thần chú, và có gì đó như một văn bia… Một cuốn sách đẹp tuyệt vời”. _ STACEY D’ERASMO, The New York Times Book Review
“Một câu chuyện tình yêu vĩ đại, mỗi đoạn văn, mỗi cơn đau, mỗi cơn sóng xúc cảm trong cuốn tiểu thuyết đẹp đẽ này đều chân thật”. _MICHAEL UPCHURCH, The Seattle Times
“Tuyệt vời… Vẻ đẹp trong văn chương của Aciman và sự tinh khiết trong tình cảm của ông đưa cuốn tiểu thuyết đầu tay xuất sắc này lên hàng các câu chuyện tình yêu vĩ đại nhất cho tất cả mọi người”. _KAREN CAMPBELL, The Boston Globe “Nếu bạn thích thử văn chương dũng cảm, sắc sảo, hoan hỉ, trăn trở, tàn bạo, dịu dàng, nhân văn và đẹp để thi banh đã thi đủ ng chỗ rồi đấy”. _ NICOLE KRAUSS , tác giả The History of Love
- Xem review sách: Điều gì tạo nên sức hút của “Hai vạn dặm dưới đáy biển”.
5. Đôi nét về tác giả André Aciman
André Aciman là một nhà văn và học giả người Mỹ sinh năm 1951 tại Alexandria, Ai Cập. Ông cũng viết nhiều tiểu luận và điểm sách về Marcel Proust.
Aciman lấy bằng cử nhân ở Lehman College vào năm 1973. Ônh nhận bằng Tiến sĩ Văn học So sánh ở Đại học Harvard. Ông từng dạy sáng tác ở Đại học New York và Văn học Pháp ở Đại học Pinceton. Hiện Aciman là giáo sư Văn học So sánh ở Graduate Center thuộc City University of New York.
André Aciman là tác giả của hồi kí Out of Egypt xuất bản năm 1995. Một số tác phẩm khác của ông: False Papers: Essays in Exile and Memory (2001), Alibis: Essays on Elsewhere (2011), Harvard Square (2013), Eight White Nights (2010).
Và đặc biệt, André Aciman đã khiến cho người hâm mộ vô cùng háo hức khi tiết lộ rằng phần tiếp theo của Call me by your name là Find me sẽ được ra mắt trong tháng 10 năm nay. Hãy cùng đón chờ tác phẩm mới của ông nhé!
CTV: ĐỖ NGỌC DIỆU ANH
Sắp phát hành Find me (^v^)
Taehyung thích bộ phim này này
Cuốn sách LGBT hay nhất đối với mình
Idol em xem phim này
Xem phim xong mình cũng muốn mua sách về đọc thử, nhưng nghe nói bản dịch không hay ạ? Nên đọc bản Anh hay bản Việt nhỉ? Tại sợ bản Anh đọc không nổi còn bản Việt đọc không hay 🙁 ai đọc chưa cho mình xin lời khuyên với
Mong chờ phần hai ^^
Có ai phát hiện ra điều đặc biệt của tiêu đề không?? :)))) “gợi cảm, nước Ý, mùa hè” là ba từ mà Timothee Chamelet dùng để miêu tả bộ phim đấy =]]
Xúc động quá!!!! Cuối cùng blog cũng review call me by your name rồiiiiiii Khoảng 17 ngày trước (mình đã đếm từng ngày đấy) mình đã bình luận tại bài hoàng tử bé nhờ blog review bài này và nó đã thành sự thật ;-; cám ơn blog nhièu 🤩 bài viết chi tiết và hình ảnh cũng đẹp nứa
Đoạn Oliver với Elio đi chơi ở Rome lãng mạn, hạnh phúc mà buồn quá! Trong phim xem còn buồn hơn. Nói chung CMBYN rất đáng xem và đáng đọc.
Cả xem phim và đọc sách đều làm tui khóc hết á.. 😭
Love it ❤❤❤