Hóa thân là một trong những tác phẩm kinh điển của tác giả Franz Kafka. Tác phẩm được Kafka sáng tác vào năm 1912 và xuất bản lần đầu vào năm 1915 trên một tạp chí. Mặc dù cuốn sách chỉ dày hơn 100 trang, nhưng Hóa thân vẫn đủ để thu hút người đọc. Đây là tác phẩm có ảnh hưởng sâu sắc đối với các tác phẩm hư cấu vào thế kỉ XX.
Bạn sẽ làm gì nếu như một ngày thức dậy và phát hiện ra vẻ ngoài ?!!!
Mở đầu Hóa thân là việc Gregor Samsa – một người nhân viên giao hàng sau khi thức dậy và phát hiện ra mình đã biến thành một con bọ khổng lồ. Anh vẫn có nhận thức và suy nghĩ như một con người sau bộ dạng ấy. Ban đầu còn khá khó khăn trong hình thù mới, nhưng anh cũng dần thích nghi với điều này. Từ một người trụ cột của gia đình, phải chăm lo cho bố mẹ và cô em gái, nay anh không thể làm được gì khiến cho cuộc sống gia đình như bị đảo lộn. Giờ đây những người mà anh từng được anh lo chu toàn cuộc sống, phát khiếp về vẻ ngoài của anh. Đối với họ anh như là một gánh nặng trong gia đình. Từ câu chuyện kì ảo ấy, Franz Kafka nói đến những vấn đề nhức nhối của xã hội đương thời.
Mục lục
1. Ma lực đồng tiền
Trước khi bị biến hóa, Gregor là người duy nhất kiếm tiền và nuôi cả nhà. Không chỉ vậy, anh còn phải giúp bố trả nợ và nỗ lực làm việc để giúp em gái thực hiện ước mơ. Việc này chỉ dừng lại sau khi anh hoàn toàn không thể lao động nữa. Tất nhiên là vì hình thù của mình. Mọi thành viên trong gia đình bắt đầu dần đi kiếm việc làm và xoay xở kiếm tiền. Tuy nhiên, theo sự quan sát của Gregor xuyên suốt câu chuyện, đồng tiền đã khiến cho mọi người dần trở nên xa cách và ít nói chuyện với nhau như trước. Các nếp sinh hoạt hàng ngày cũng đã thay đổi bằng nhiều thói quen chẳng mấy tốt hơn.
Thông qua điều này, Kafka muốn gửi gắm thông điệp ý nghĩa đến người đọc. Phải chăng ta cũng đang thờ ơ với gia đình chỉ vì những ham muốn và tham vọng ích kỉ của bản thân? Sức mạnh của đồng tiền khiến cho con người mất hết tình cảm gắn kết. Nó biến ta trở thành những con người vô cảm, chỉ biết nghĩ cho bản thân mình.
2. Trọng trách của mỗi cá nhân trong gia đình
Trong phần đầu truyện, Gregor thể hiện rõ rằng anh không hề thích công việc hiện tại một chút nào, mặc dù anh đã phải nỗ lực rất nhiều mới có được công việc này. Nhưng bởi có một lí do thúc đẩy anh làm việc, đó chính là gia đình. Anh làm để hoàn thành nghĩa vụ của một người con dành cho bố mẹ, một người anh cho đứa em gái của mình.
Cố gắng và chăm chỉ như vậy, nhưng đối với họ anh cũng chỉ là nguồn chu cấp của gia đình. Trọng trách trong gia đình được Gregor coi trọng bao nhiêu thì mọi người trong gia đình lại chẳng mảy may nghĩ đến bấy nhiêu. Từ khi biến dạng vẻ bên ngoài, họ dường như xa lánh và bỏ mặc anh. Họ cảm thấy ghê tởm khi nhìn hình thù của anh mà không hề thấu hiểu và thông cảm.
Khi đọc tiêu đề Hóa thân và sơ sơ nội dung cốt truyện, chắc hẳn bạn đã nghĩ rằng việc “hóa thân” là của nhân vật Gregor. Điều đó không phải là sai. Nhưng nếu phân tích kĩ thì sẽ thấy không chỉ Gregor “hóa thân” mà tất cả các thành viên trong gia đình anh đều “hóa thân”. Hay nói cách khác là thay đổi. Đầu tiên là ông Samsa, cha của Gregor. Thái độ của ông đối với anh hoàn toàn không giống như trước: khinh bỉ và tàn nhẫn. Ông bất chấp mọi thứ để chối bỏ anh. Còn về phần bà Samsa, bà cũng ghê sợ khi nhìn thấy anh, nhưng dường như vẫn có níu kéo bà lại. Liệu đó có phải là tình mẫu tử chăng? Suy nghĩ và hành động của bà mâu thuẫn giữa bản năng làm mẹ và nỗi sợ hãi trước vẻ ngoài của con trai. Sau cùng phải kể đến cô em gái Grete Samsa. Gregor và Grete vô cùng thân thiết và yêu thương nhau khi anh còn trong hình hài một con người.
Ban đầu, cô em gái chăm sóc và dọn dẹp tình nguyện cho anh. Nhưng càng về sau, nỗi khiếp sợ vẻ ngoài của anh khiến cô quên đi mất tình cảm giữa hai anh em, cô trở nên xấu tính đối với anh trai mình. Có thể nói, ông bà Samsa và cô em gái Grete đều đã thay đổi hẳn cách cư xử của mình đối với Gregor. Họ không hề nhận ra rằng họ đang không hoàn thành nghĩa vụ trong gia đình như anh từng đối xử với họ.
3. Nỗi sợ và cô đơn
Gắn liền với sự kì thị và bỏ mặc ấy chính là nỗi cô đơn mà anh phải chịu đựng. Anh phải tự mình đối mặt với những bất công mà chính người thân làm với anh. Anh chịu đựng tất cả và dường như vẫn thông cảm cho họ. Đọc tác phẩm, nỗ lực không gây phiền hà đến mọi người trong gia đình của anh đều được bộc lộ rõ. Anh luôn phủ nhận việc gia đình đã chối bỏ anh và cố gắng không để họ thấy mặt mình. Anh không hề oán trách họ.
Xuyên suốt câu chuyện, Gregor ít khi thể hiện rằng anh ghét vẻ ngoài mới của mình. Ngược lại, đây lại là một cơ hội tuyệt vời để giải thoát cho bản thân khỏi công việc nhàm chán và giúp anh nhìn nhận lại cuộc đời.
Mặc dù cảm xúc và tâm trạng nhân vật có chứa đầy nỗi buồn như vậy nhưng Kafka vẫn luôn giữ được lối viết ngắn gọn, súc tích, đơn giản, không gây chán cho người đọc. Trạng thái của anh luôn được viết theo một nhịp nhất định, không bộc lộ ra quá nhiều mà vẫn thể hiện đủ rõ để người đọc cảm nhận được tâm trạng thông qua suy nghĩ và hành động của anh.
4. Đánh mất vẻ bên ngoài
Nhiều người cho rằng việc Gregor bị mất vẻ bên ngoài ban đầu một cách bí ẩn đều là ý đồ của tác giả cả. Nếu như nhân vật Gregor mà biến thành một con vật khác thì biết đâu mọi người lại không bỏ mặc anh như vậy. Nhưng tác giả Kafka lại để cho anh có một bộ dạng xấu xí đến mức người thân cũng không thể chấp nhận nổi. Việc thay đổi vẻ bề ngoài của Gregor có thể hiểu rằng nó là một sự thách thức đối với người nhà Samsa.
Để nói về Hóa thân, có rất nhiều cách nhìn nhận khác nhau về tác phẩm. Gregor có thể đã bị biến dạng ngay từ đầu câu chuyện và vẫn có nhận thức như một con người. Nhưng nếu thử đổi cách nghĩ, cũng có thể sự biến hóa của anh có xảy ra là do ý nghĩ của những người còn lại.
Tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu như Gregor vẫn còn là con người? Liệu anh sẽ vẫn tiếp tục công việc nuôi gia đình chứ? Hay nếu như anh lấy lại được hình dạng thì người thân sẽ đối xử với anh thế nào?
Hóa thân là một tác phẩm để lại cho người đọc một nỗi day dứt, đau buồn khó tả. Sự ám ảnh của tác phẩm cũng chính là lí do tại sao mà sau 100 năm tác phẩm vẫn được yêu thích.
5. “Hóa thân” một tác phẩm sống mãi với thời gian
Tính đến thời điểm này thì tác phẩm “Hoá thân” đã ra đời hơn 100 năm và chinh phục hàng triệu độc giả trên toàn thế giới.
Nó được đưa vào chương trình giảng dạy, nghiên cứu ở rất nhiều các trường đại học ở phương Tây. Đồng thời, Hóa thân còn là nguồn cảm hứng bất tận để nhiều nghệ sĩ thuộc các lĩnh vực khác thể hiện sức sáng tạo của họ. Jan Nemec, Caroline Leaf, Jim Goddard, Steven Berkoff, Carlos Atanes, Fran Estevez… là những nhà làm phim từng chuyển thể một phần hoặc trọn vẹn tác phẩm này lên màn ảnh rộng.
Nhiều cây bút khác của văn đàn châu Âu hay Mỹ cũng thường mượn Hóa thân để dùng làm hình tượng phát triển nhân vật hay nội dung quyển sách của họ.
6. Đôi nét về tác giả Franz Kafka
Franz Kafka (1883 – 1924) là nhà văn người Do Thái viết tiếng Đức. Ông sinh tại Praha (Cộng hòa Séc). Ông đỗ tiến sĩ luật học năm 23 tuổi. Sau đó làm việc ở Sở Bảo hiểm Tai nạn lao động của Vương quốc Bohemia tại Praha – vương quốc này thuộc quyền cai quản của đế quốc Áo – Hung đến khi chiến tranh Thế giới thứ I kết thúc.
Các tác phẩm của ông chủ yếu về số phận con người và những trang viết ấy luôn toát ra một cảm giác cô đơn và lạc lõng.
Nhà thơ người Mỹ gốc Anh W. H. Auden còn từng gọi Kafka là “Dante của thế kỷ XX”.
Trước khi chết, ông có nhờ bạn thân đốt hết các tác phẩm mà ông đã viết. Vì thế đến ngày nay người ta chỉ còn lưu giữ được một số tác phẩm. Trong đó phải kể đến Vụ án và Lâu đài cũng là một trong những tác phẩm nỏi tiếng của Franz Kafka.
CTV: ĐỖ NGỌC DIỆU ANH
Vậy đấy, đôi lúc bạn chỉ cần hồn nhiên và sống, cuộc đời sẽ đưa đẩy bạn đến những nơi bạn cần đến.
Vừa mua cuốn này đọc xong . Buồn cho cuộc đời của nhân vật chính … ước gì hồi đấy ông Kafka không đốt hết mấy tác phẩm đã viết rồi nhỉ ? Nếu không thì giờ đã có nhiều cuốn kinh điển khác để đọc rồi .
Tác phẩm ‘Vụ án’ của tác giả này cũng hay lắm
Love it ❤❤