Phi lý trí là cuốn sách được viết bởi Dan Ariely, thuộc phạm trù tâm lý học. Bằng cách đưa ra nhiều ví dụ, thí nghiệm, thống kê, cuốn sách đã chứng minh rằng: con người không lý trí như họ tưởng, thậm chí thường xuyên phi lý trí và phi lý trí có hệ thống.
Mục lục
PHI LÝ TRÍ – MỘT CUỐN SÁCH HAY VỀ TÂM LÝ HỌC HÀNH VI
Nhìn chung, những cuốn sách có chủ đề tâm lý học đều khá “nặng” bởi khối lượng số liệu lớn và các ví dụ đôi khi có phần phức tạp. “Phi lý trí” có xu hướng bám vào các hoạt động kinh tế để làm ví dụ phân tích cho từng luận điểm; điều này cũng khá dễ hiểu vì tác giả Dan Ariely vốn là một giáo sư chuyên ngành Kinh tế học hành vi tại MIT.
Điểm cộng của cuốn sách “Phi lý trí” là việc hạn chế sử dụng thuật ngữ gây khó khăn cho độc giả không có kiến thức chuyên môn, cấu trúc tổ chức lời văn song song 1 ví dụ – 1 luận điểm giúp bạn đọc dễ theo sát nội dung. Tác phẩm sẽ là lựa chọn thú vị và đầy cảm hứng, hứa hẹn “lật tẩy” những bí mật phía sau “bức màn lý trí” của con người.
NHỮNG AI NÊN ĐỌC CUỐN SÁCH NÀY
Nếu bạn muốn biết tại sao con người hay cư xử một cách Phi lý trí như: Trì hoãn, ăn quá nhiều (dù bạn đang muốn giảm cân), tiêu quá trớn mặt dù bạn không mấy dư dả về tiền bạc.
Nếu bạn thuộc top người thường đưa ra quyết định nóng vội, và bạn không hiều tại sao ta lại hành xử và quyết định như vậy, bạn cảm thấy tức giận trước quyết định vừa rồi…
Bạn thuộc top người quan tâm đến tâm lý học hành vi và nghiên cứu những sự việc liên quan đến cuộc sống thường ngày…
===>>> Phi lý trí là một cuốn sách hay và thật sự cần cho bạn 😆 🙄
Vậy giờ chúng ta tiếp tục tìm hiểu về nội dung cuốn sách “Phi lý trí” này nhé 🙂
CHƯƠNG 1: SỰ THẬT VỀ TÍNH TƯƠNG ĐỐI
Thứ gì ảnh hưởng tới những quyết định mỗi ngày của chúng ta, thứ đó phải chăng có thực sự là “lý trí” như chúng ta vẫn tưởng? Liệu cách chúng ta lựa chọn sự nghiệp, bạn đời, quần áo, kiểu tóc… cho mình có phải là những quyết định thông minh không ?
Chương 1 của cuốn sách “Phi lý trí” cho ta thấy một cơ sở vững chắc đứng sau thúc đẩy suy nghĩ và hành động con người: hiệu ứng vật làm nền. Cũng chính sự tồn tại và vận hành như một bản năng của hiệu ứng này mà hàng triệu người đã bị các nhân viên bán hàng “dắt mũi” ngoạn mục.
Giá trị của một vật không hề “đứng yên” trong tâm trí con người, nó “chuyển động” mang tính tương quan và phụ thuộc vào những vật được đặt xung quanh, và những “vật xung quanh” đó chính là “vật làm nền”. Chúng ta thường không xác định giá trị của vật dựa vào bản thân chúng mà luôn so sánh cái này với cái kia, người này với người kia,… thói quen so sánh này không chỉ vô tình “giúp” các nhà bán hàng kích cầu lượng tiêu thụ sản phẩm theo hướng họ muốn (chứ không phải chi tiêu theo hướng chúng ta muốn) mà xa hơn nữa có thể bùng phát thành lòng đố kỵ, tham lam không có điểm dừng ăn sâu vào thói sống.
CHƯƠNG 2: QUAN ĐIỂM SAI LẦM VỀ CUNG VÀ CẦU
Thật là một cuốn sách hữu ích cho các nhà phân phối, kinh doanh, bán hàng, marketing,… Vì mỗi chương lại là một phát hiện lý thú về thói quen tiêu dùng của chúng ta.
Ở chương 2 của cuốn sách “Phi lý trí”, tác giả đã mượn lời Mark Twain viết về Tom Sawyer để tiếp tục mở ra một chủ đề mới: “Tom đã phát hiện ra một quy luật vĩ đại về hành động của con người, đó là, để khiến một người thèm thuồng thứ gì đó, chỉ cần làm cho việc đó trở nên khó khăn.” Đó là bí quyết để ông vua ngọc trai Assael khéo léo khiến những người giàu có nhất Manhattan phải say mê những viên ngọc trai đen Tahiti – loại đá quý chưa từng được biết đến trước đó.
Trên thực tế, người tiêu dùng không kiểm soát được sở thích của mình cũng như mức giá họ sẵn sàng trả cho các loại hàng hóa và việc của những người bán hàng là đưa ra cho “thượng đế” của mình một mức giá “tùy ý” ban đầu (hay chính là “mỏ neo”); những mức giá ban đầu đó sẽ nhanh chóng trở thành cơ sở để con người định giá các mặt hàng liên quan và ảnh hưởng lớn tới quyết định tiêu dùng của họ.
Dan Ariely đã cố gắng chỉ ra rằng: cung và cầu là hai yếu tố phụ thuộc vào nhau; thay vì mong muốn việc trả tiền của người tiêu dùng ảnh hưởng tới giá cả thị trường, thì nguyên nhân ngược lại là bản thân giá cả thị trường ảnh hưởng tới mong muốn thanh toán của người tiêu dùng.
Nhìn chung, nội dung chương 2 đang bộc lộ rõ sự khó hiểu rõ rệt và cường độ đan xen phức tạp giữa mật độ thí nghiệm dày đặc, có khá nhiều kết luận, tóm gọn cần quan tâm. Tính liên quan mật thiết với chuyên ngành kinh tế cũng thể hiện nhiêu hơn so với chương 1, tuy nhiên đừng vội bỏ dở khi đang đọc nó vì bạn có thể làm lỡ mất cơ hội thấu hiểu và kiểm soát chi tiêu của bản thân (một việc vốn chẳng dễ dàng gì, thậm chí là bất lực với đa số chúng ta).
CHƯƠNG 3: CÁI GIÁ CỦA MIỄN PHÍ
“Sự khác biệt giữa 2 xu và 1 xu là nhỏ nhưng sự khác biệt giữa 1 xu và 0 xu thì thật khổng lồ!”
Mặc dù chương 2 có vẻ “khó nuốt” nhưng chương 3 lại trở nên dễ dàng và thân thuộc với chúng ta hơn qua chủ đề: MIỄN PHÍ.
Tác giả bắt đầu trò chuyện về con số 0 trong kinh doanh – sự hấp dẫn của các mặt hàng được gắn mác “miễn phí”. Bản thân những mặt hàng đó có sức cám dỗ quá lớn đối với mỗi người, và sự có mặt của nó là một phép thử đã đánh lừa tất cả chúng ta phải bỏ qua lợi ích thật sự để bắt lấy “món hời 0 đồng”.
Nếu các tiêu đề giảm giá có thể khiến chúng ta không ngại chen chúc, đợi trước hàng vài tiếng đồng hồ thì thậm chí “miễn phí” sẽ khiến chúng ta không ngần ngại lao vào quyết định, gần như ngay lập tức.
Bởi “miễn phí” có nghĩa là bạn sẽ có một món đồ mà chẳng mất xu nào, hay tức là cho dù chất lượng của chúng có thậm tệ đi chăng nữa thì bạn vẫn không phải là người chịu thiệt – nhưng những món đồ miễn phí ấy sẽ là cần câu để dẫn bạn “sa lưới” và buộc phải sử dụng các mặt hàng/dịch vụ liên quan khác, và đó mới chính là cái giá thực sự của “miễn phí”.
CHƯƠNG 4: CÁI GIÁ CỦA CÁC QUY CHUẨN XÃ HỘI
Tại sao chúng ta vui mừng khi làm một việc nào đó, nhưng lại không vui khi được trả tiền để làm việc đó?
Bạn nghĩ sao về việc một chàng rể đề nghị trả tiền sau một bữa tối vui vẻ trong buổi lễ Tạ Ơn với đông đủ gia đình nhà vợ? Những người “được đề nghị trả tiền” chắc chắn sẽ không vui và tội lỗi này sẽ được ghi nhớ suốt đời.
Tại sao một lời đề nghị trả tiền trực tiếp thay vì gây “cám dỗ” với “món hời tiền bạc” lại trở thành “vết nhơ khó rửa” trong ấn tượng của mẹ vợ về chàng rể?
Vì đơn giản: “quy chuẩn thị trường” đang bị đưa vào để thay thế “quy chuẩn xã hội” dẫn đến sự va chạm và phá vỡ các mối quan hệ.
Nhìn chung, chương 4 cuốn sách “Phi lý trí” đã đưa ra cho chúng ta những phân tích để làm rõ, tách bạch và cẩn thận cân nhắc sử dụng giữa “quy chuẩn xã hội” (các nguyên tắc cư xử trong đời sống xã hội) và “quy chuẩn thị trường” (nguyên tắc cư xử trong làm ăn ), giữa tình cảm và làm ăn.
Điều này rất quan trọng trong cuộc sống, bởi nếu bạn đem “quy chuẩn thị trường” vào một mối quan hệ xã hội, bạn sẽ làm tổn thương người khác và đánh mất mối quan hệ đó; ngược lại, nhiều nhà quản lí vô tình đem “quy chuẩn xã hội” vào thương trường đã tạo ra những hiệu ứng không mong muốn cho doanh số tiêu thụ.
TỔNG KẾT
Nội dung của quyển sách “Phi lý trí” thực tế dài hơn nhiều (khoảng 13 chương và một vài phụ lục) nhưng trong phạm vi của một bài review, tôi nghĩ mình không nên nói nhiều hơn nữa.
Việc đọc và hiểu các chủ đề tâm lý con người chưa bao giờ là dễ dàng cả, tuy nhiên ở cuốn sách này, các chương gần như được sắp xếp so le 1 dễ rồi tới 1 khó rồi lại tới 1 dễ và cứ thế đến hết, bạn sẽ có những khoảng thư thả đủ để “tiêu hóa” các dữ liệu đa chiều.
“Phi lý trí” không hoàn toàn triết lý sâu xa, nó chỉ đơn giản là giúp bạn nhìn nhận để điều chỉnh lại suy nghĩ, hành động của chính mình, đây là một ấn phẩm bổ ích cho cuộc sống mỗi người, hãy tìm đọc nó ngay khi bạn có thể nhé!
Nếu có thể, bạn hãy mua tại blog con học giỏi để ủng hộ mình tiếp tục nâng cấp hệ thống nhé, cảm ơn các bạn đã đọc bài viết.
Để lại bình luận