TẢNG BĂNG TAN – ĐỔI MỚI VÀ THÀNH CÔNG TRONG MỌI HOÀN CẢNH
REVIEW SÁCH Sách PT Bản Thân

TẢNG BĂNG TAN – ĐỔI MỚI VÀ THÀNH CÔNG TRONG MỌI HOÀN CẢNH

Tảng Băng Tan là truyện ngụ ngôn giản dị kể về những việc làm xuất sắc trong một thế giới không ngừng thay đổi.

Câu chuyện dựa trên tác phẩm đọat giải thưởng của John Kotter thuộc trường Đại học Harvard và được sử dụng để hỗ trợ hàng ngàn cá nhân và tổ chức.”

Câu chuyện ngụ ngôn này kể về một bộ tộc chim cánh cụt hòang đế tuyệt đẹp sống ở vừng Nam cực đã rất lâu.

Rồi một hôm, một chú chim cánh cụt hiếu kỳ phát hiện mối hiểm họa có thể xảy ra, đe dọa quê hương của chúng, nhưng gần như không một ai trong bộ tộc chịu nghe lời cảnh báo này.

Các nhân vật trong câu chuyện như: anh chàng Fred, cô nàng Alice, ông Louis, Buddy, ngài Giáo sư, và Nono giống như những con người mà chúng ta thường gặp, và cũng có thể là chính chúng ta.

Câu chuyện của họ xoay quanh những cản trở công cuộc đổi mới và hành động quả cảm, quanh những chứng ngại có vẻ khó vượt qua, và những sách lược khôn ngoan nhất để giải quyết những chướng ngại này.

Đó là câu chuyện hiện đang xảy ra chung quanh chúng ta dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhưng bộ tộc chim cánh cụt đã xử lý những thách thức thực sự xuất hiện trong thực tế tài tình hơn đa số chúng ta.

Tảng Băng Tan đựơc dựa trên tác phẩm tiên phong, trình bày Tiến Trình Tám Bước cần có để đổi mới trong tập thể.

Nó là câu chuyện mà bất cứ ai cũng có thể vừa thưởng lãm, vừa được cung câp những hướng dẫn cực kỳ quý báu để sống trong một thế giới luôn chuyển động ngày một nhanh hơn.

Tảng băng tan” (Our Iceberg Is melting) tên tựa đề của một cuốn sách nói về quá trình đổi mới và thành công trong mọi hoàn cảnh của John Kotter và Holger Rathgeber.

Tác giả trình bày về quá trình giải quyết vấn đề và đổi mới thông qua câu chuyện của một bộ lạc chim cánh cụt phát hiện ra tảng băng chúng đang sống đang tan ra và sau đó là những nỗ lực để đổi mới thích ứng với hoàn cảnh.

Trước hết người viết sẽ tóm tắt lại câu chuyện, sau đó là giới thiệu về 8 bước của quy trình đổi mới được nêu ra trong cuốn sách.

Cuối cùng là một số nhận xét và đánh giá về cuốn sách này.

Tóm lại câu chuyện “Tảng băng tan”

Một bộ lạc chim cánh cụt đang sống yên ổn và vui vẻ trên một tảng băng lớn, cuộc sống vẫn diễn ra bình an cho đến một ngày có một chú chim tên là Fred sau nhiều thời gian và bằng nhiều phương pháp nghiên cứu khoa học đã phát hiện ra rằng tảng băng mà đàn chim đang sống đang tan ra nhanh chóng.

Fred nhận thấy cần phải thông báo với Hội đồng Lãnh đạo về vấn đề này để tìm cách giải quyết. Fred đã rất khôn ngoan trước khi thông báo chính thức với hội đồng, chàng chim cánh cụt này đã tìm đến một cô chim cánh cụt có uy tín và ảnh hưởng trong Hội đồng Lãnh đạo tên là Alice để trình bày về vấn đề.

Sau khi thuyết phục được Alice về mức độ nghiêm trọng của sự việc, Alice cùng Fred lập kế hoạch hành động để thuyết trình trước Hội đồng. Fred đã sử dụng nhiều phương pháp trình bày độc đáo và sáng tạo có tính trực quan sinh động tạo ra ấn tượng đặc biệt và thu hút.

Tuy nhiên có nhiều ý kiến phán đổi và nặng nề nhất là từ nhân vật có tên Nono.

Sau này Nono là nhân vật tạo ra nhiều rào cản, khó khăn cho việc thực hiện giải pháp của bộ lạc, cụ thể là hắn không chỉ lôi kéo nhiều con chim khác ngăn cản những nỗ lực tìm kiếm lối đi của Fred mà còn tuyên truyền, bôi nhọ gây dao động tinh thần cho các thành viên khác trong bộ lạc.

May thay, Tộc trưởng đã đưa ra quyết định sáng suốt và hỗ trợ Fred, Alice xây dựng một đội sáng tạo và giải quyết vấn đề.

Dưới sự chỉ huy của một giáo sư giàu kinh nghiệm, đội đã sử dụng phương pháp sáng tạo não công (brainstorming) để tìm các ý tưởng giải quyết, như làm chậm quá trình tan băng, hoặc hàn băng lại để giảm tốc độ băng tan.

Tiến trình tám bước của đổi mới thành công

Chuẩn bị

1. Nhận thức được đổi mới là nhu cầu bức thiết. Hãy giúp người khác nhận ra nhu cầu đổi mới, và tầm quan trọng của việc gấp rút hành động.

2. Tập hợp một Ban lãnh đạo. Hãy chọn ra một nhóm hùng mạnh để chỉ đạo công cuộc đổi mới. Nhóm này phải có khả năng lãnh đạo, được tín nhiệm, có khả năng tuyên truyền, có uy thế, có khả năng phân tích và nhận thức được đổi mới là nhu cầu bức thiết.

Quyết định Việc – Phải – Làm

3. Khuyếch trương Viễn cảnh và Chiến lược về cuộc đổi mới. Làm cho mọi người thấy rõ sau khi đổi mới, tương lai sẽ khác ra sao so với quá khứ và làm cách nào để biến tương lai đó thành hiện thực.

Thực hiện

4. Tuyên truyền để Thông hiểu và Chấp nhận. Làm cho càng nhiều người hiểu và chấp nhận Viễn cảnh và Chiến lược càng tốt.

5. Trao quyền “hành động” cho những người khác. Tháo gỡ hết mọi chướng ngại, để những ai muốn biến Viễn cảnh đó trở thành hiện thực đều có thể làm được điều đó.

6. Tạo ra những Chiến thắng – Trước mắt. Tạo ra những thành công cụ thể cho mọi người nhìn thấy càng sớm càng tốt.

7. Không sa sút sức chiến đấu, thúc đẩy tiến trình nhanh hơn, mạnh hơn sau những thành công đầu tiên. Kiên quyết đi tới cùng và không ngừng đổi mới cho đến khi Viễn cảnh đó trở thành hiện thực.

Xác lập cái mới

8. Tạo ra một môi trường mới, nắm giữ những cách làm mới, và đoán chắc những cách làm này thành công, đến khi chúng đủ mạnh để thay thế những lề thói, nếp nghĩ cũ.

Như vậy, một quy trình đổi mới, theo John Kotter và Holger Rathgeber, chia làm 4 giai đoạn và có tám bước.

Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn chuẩn bị bao gồm xác định nhu cầu hay bài toán cần giải và xây dựng một nhóm lãnh đạo để tìm kiếm giải pháp và triển khai.

Trong giai đoạn hai, cần xác định những việc cần làm, chia sẻ viễn cảnh va chiến lược thực hiện để biến viễn cảnh thành hiện thực.

Tiếp theo là giai đoạn thực hiện, gồm có tuyên truyền để tạo sự ủng hộ, trao quyền để tăng sức mạnh cho tập thể và một trong những thủ thuật quan trọng là tạo ra chiến thẳng nhỏ càng sớm càng tốt để có được sự khích lệ.

Hơn thế nữa, cần phải liên tục thực hiện không nghừng nghỉ cho đến khi kết quả đạt được.

Cuối cùng là giai đoạn xác lập cái mới bằng cách duy trì một môi trường mới, chấp nhận thử thách, suy nghĩ sáng tạo, và hành động kịp thời.

Một vài nhận xét

Tác giả đã sáng tạo trong cách tiếp cận trình bày về nội dung sáng tạo và đổi mới.

Cách trình bày này giúp cho người đọc dễ hiểu, dễ cảm nhận và nhận thức nhanh chóng những điểm cốt yếu của quá trình đổi mới.

Bằng hình thức ẩn dụ ngụ ngôn, tác giả đem lại cảm giác thú vị, cuốn hút, trình bày về một nội dung quan trọng, khó hiểu bằng một cách giản dị, dễ tiếp thu.

Tác giả đã làm một điều phức tạp trở thành đơn giản không giống với cách thường làm là biến một vấn đề phức tạp trở nên phức tạp hơn bằng quá nhiều định nghĩa, khái niệm trừu tượng.

Đánh giá sách:


Một câu truyện ngụ ngôn  thường có nhiều ý nghĩa.

Các ý nghĩa này xuất hiện phụ thuộc vào kinh nghiệm, trình độ, nhận thức của mỗi người đọc do đó cùng một câu chuyện sẽ có nhiều cách diễn giải khác nhau.

Người viết, qua kinh nghiệm của mình, có một vài suy nghĩ sau về vấn đề sáng tạo và đổi mới trong doanh nghiệp.

1. Trong thực tế một doanh nghiệp, vấn đề thường xuất hiện đồng thời và các vấn đề có mức độ quan trọng khác nhau. Không phải lúc nào cũng gặp bài toán lớn ảnh hưởng đến toàn bộ doanh nghiệp như hình ảnh tảng băng tan. Do đó, lãnh đạo doanh nghiệp thường phải xác định những vấn đề nào quan trọng, cấp thiết để ưu tiên giải quyết vì để giải quyết được bài toán trong doanh nghiệp cần phải huy động các nguồn lực về vốn, con người, trang thiết bị, chính sách hỗ trợ, trong khi đó các nguồn lực này thường hữu hạn.

2. Mỗi bài toán trong doanh nghiệp thường có các cách tiếp cận khác nhau để giải quyết, tức là có nhiều con đường để đến đích. Chọn cách tiếp cận với bài toán hợp lý là giải được bài toán một nửa. Ví dụ: Để nâng cao hiệu quả bán hàng có nhiều cách tiếp cận như đào tạo con người, quảng cáo mạnh hơn, hoặc trang bị thêm công nghệ hỗ trợ bán hàng. Mỗi cách tiếp cận này đều có ưu và nhược điểm, chính vì vậy cần lựa chọn một cách tiếp cận phù hợp vời hoàn cảnh thực tế của bản thân doanh nghiệp. Xác định vấn đề ưu tiên và chọn cách tiếp cận giải quyết là hai bước mang tính chiến lược, nếu xác định nhầm vấn đề, chọn cách tiếp cận không hợp lý thì các bước sau của giai đoạn đổi mới có cố gắng nhưng cũng không đem lại nhiều hiệu quả vì ‘gãi đúng chỗ không ngứa’.

3. Trong giai đoạn chuẩn bị, tác giả đề cập đến bước 2 – Tập hợp ban lãnh đạo có năng lực, ảnh hưởng để tìm kiếm giải pháp. Với cách tiếp cận này là chọn con người trước khi tìm giải pháp, nhưng chọn con người cũng chính là đồng thời chọn giải pháp mà họ sẽ có thể tạo ra. Cách tiếp cận ngược lại sẽ là, trong giai đoạn chuẩn bị, các thông tin liên quan đến bài toán, doanh nghiệp, môi trường kinh doanh sẽ được tìm hiểu trước, sau đó mới tìm người ban lãnh đạo để thực hiện sâu hơn, chi tiết hoá lộ trình sáng tạo và đổi mới. Nghịch lý ở đây được gọi là “quả trứng- con gà cái gì có trước?” tìm người để người đó tiếp tục tìm giải pháp, hay là có hướng giải pháp rồi mới tìm người để thực hiện.

4. Tác giá đi theo cách tiếp cận con người đến trước giải pháp đến sau, hay tương tự có người giỏi sẽ có giải pháp hay. Vì vậy các bước kế tiếp của quy trình đổi mới tám bước đã thể hiện sự chủ động hay nói một cách khác là thiên về áp đặt đường lối đổi mới thể hiện trong các bước tiếp theo như, vẽ ra viễn cảnh, tuyên truyền về tầm nhìn, tạo dựng niềm tin bằng chiến thắng nhỏ. Cách tiếp cận này hiệu quả và cần thiết khi bài toán gặp phải là bài toán hoàn toàn mới trong doanh nghiệp, có nhiều quan điểm trái ngược, hoặc có nhiều sự không thống nhất trong nội bộ. Trong trường hợp này, “tảng băng” được hiểu là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nền móng của cả một cấu trúc và hệ thống. Với hoàn cảnh khác, bài toán không nghiêm trọng, cần thiết là sự hiệu quả càng cao càng tốt, thì cách tiếp cận này có thể không phải cách tối ưu. Sự lựa chọn khác là dựa trên các quy luật phát triển khách quan của hệ thống để tìm kiếm giải pháp tuân theo quy luật hay vòng đời phát triển của hệ thống.

5. Rào cản lớn nhất đối với quá trình đổi mới, chính là sức ỳ của người giải và thực tế nơi mà giải pháp sẽ phải triển khai. Sức ỳ là khuynh hướng giữ nguyên cái cũ, chống lại việc tiếp nhận cái mới. Sức ỳ cản trở sự ra đời cái mới thể hiện ở nhiều mặt như: không tiếp nhận thông tin về cái mới, không ủng hộ thực hiện cái mới, cản trở quá trình triển khai, hoặc mạnh hơn nữa là công kích, gây khó khăn, tìm cách phá hại cái mới. Tác giả đã đưa ra nhiều cách thức để giảm thiểu sức ý này, ví dụ bằng cách vận động, tuyên truyền, quảng cáo, xây dựng hình ảnh,…, tuy nhiên sức ỳ đa dạng và thường khó thay đổi. Trong kinh doanh, thì sức ỳ của thị trường được hiểu là khách hàng không dễ gì tiếp nhận sản phẩm, dịch vụ mới cho dù sản phẩm, dịch vụ này tốt hơn so với sản phẩm, dịch vụ cùng loại. Do có thể bị ảnh hưởng bởi tiếp thị, khách hàng khó nhận biết đó là sản phẩm tốt hay là hình ảnh về sản phẩm. Ví dụ như uống bia Tiger mang lại cảm nhận về bản lĩnh đàn ông, nhưng thực tế thì uống bia không làm tăng bản lĩnh đàn ông lên tý nào mà có nhiều khi chỉ thành đàn mà không thành ông. Tóm lại ban lãnh đạo của quá trình đổi mới không chỉ cần sáng tạo trong việc tìm kiếm giải pháp mà còn phải có kỹ năng giải quyết vấn đề, linh hoạt, sáng tạo trong việc ngăn chặn, hạn chế, tiến đến chuyển hoá lực cản thành lực đẩy.

Kết luận:

Các tác giả của “Tảng băng tan” đã đưa ra một cách trình bày mới về đề tài sáng tạo đổi mới, thông qua hình ảnh của một bộ lạc chim cánh cụt đi từ việc phát hiện ra tình trạng băng tan, động não tìm cách thức giải quyết, đến việc tổ chức nhóm thực hiện và triển khai thành công mục đích đổi mới.

Quy trình đổi mới, được trình bày trong cuốn sách, đem lại một cách nhìn sáng sủa về những bước cụ thể cần thực hiện và kết quả cần đạt được của mỗi bước này. Điểm quan trọng của quy trình này là: thứ nhất xác định nhu cầu đổi mới là nhu cầu cấp bách, thứ hai xây dựng nhóm lãnh đạo để thực hiện cần có những người đủ uy tín, sức ảnh hưởng và năng lực, thứ ba cần tuyên truyền xây dựng hình ảnh về tương lai của đổi mới nhằm thúc đẩy mọi nỗ lực của toàn bộ đối tượng liên quan, cuối cùng cần liên tục thúc đẩy và xây dựng văn hoá đổi mới.

Trong thực tế, các vấn đề của doanh nghiệp rất đa dạng, do đó cần xác định các vấn đề cốt lõi cấp bách cần giải quyết, thứ hai cần nhấn mạnh đến việc thu thập thông tin để đảm bảo chọn lựa được giải pháp phù hợp và hỗ trợ quá trình đổi mới hiệu quả. Thứ 3 cần nhận diện các loại lực cản của đối mới từ đó có các biện pháp ngăn chặn, xử lý sớm, hoặc dự phòng những hiệu ứng tiêu cực có thể phát sinh từ đó.

Để lại bình luận

avatar
100

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  Subscribe  
Notify of