REVIEW SÁCH “BÁNH MÌ THƠM, CÀ PHÊ ĐẮNG”
REVIEW SÁCH

REVIEW SÁCH “BÁNH MÌ THƠM, CÀ PHÊ ĐẮNG”

Bánh Mì Thơm Cà Phê Đắng là tập tản văn thứ ba của Ngô Thị Giáng Uyên ra mắt bạn đọc sau hai tập Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương” và Sống xanh đã xuất bản. Bánh mì thơm Cà phê đắng là một câu  chuyện về ăn uống trời Âu trên bước đường rong ruổi đó đây khám phá vẻ đẹp nguyên sơ tiềm ẩn của cảnh vật quanh mình. Ngay cái tựa đề thôi đã nghe thật hấp dẫn phải không nào!!!

1. ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ CỦA “BÁNH MÌ THƠM, CÀ PHÊ ĐẮNG”

  • Tác giả

Ngô Thị Giáng Uyên sinh năm 1981, từng tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Tp.HCM năm 2002, là thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Đại học Southamton, Anh. Chị từng nhận được học bổng Chevening và là giám đốc nhãn hiệu trẻ nhất của tập đoàn đa quốc gia GSK Việt Nam khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Ngô Thị Giáng Uyên đã đi qua hơn 30 nước, là tác giả của hai cuốn sách “Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương” và “Bánh mì thơm cà phê đắng“.

  • Tác phẩm

Bánh mì thơm cà phê đắng được giới thiệu là tập tản văn viết về chuyện ăn uống trời Âu đầy cảm xúc. Những mẩu chuyện ẩm thực nho nhỏ chẳng vướng bận những quy tắc chuẩn mực khi viết về đồ ăn mà chỉ là cảm nhận cá nhân với những góc nhìn tinh tế khi tìm kiếm và thưởng thức những món ngon.

Một chút sắc sảo, một chút nữ tính trong cách kể, cách tả biến Bánh thơm, Cà phê đắng thành một cuốn catalogue về ẩm thực bằng từ ngữ, câu chữ đầy chất gợi hình. Và rồi trước những trang sách, người đọc có thể hình dung ra những trái berry căng mọng, những sớ cá biển trắng phau, những con tôm đỏ au hay những lát mực giòn sần sật…

Cuốn sách viết về chuyện ăn uống trời Âu trên bước đường rong ruổi đó đây khám phá vẻ đẹp nguyên sơ tiềm ẩn của cảnh vật quanh mình. Không phải là bộ sưu tập ẩm thực chỉn chu, có hệ thống mà đơn thuần chỉ là sự kết nối cảm xúc theo hứng khởi chủ quan của tác giả mỗi khi dùng xong món ăn mới… song cũng phần nào giúp bạn đọc hiểu thêm về tính đa dạng của văn hóa ẩm thực của nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới.

2. PHONG CÁCH BÁNH MÌ

Bánh mì thơm Cà phê đắng

Mùa hè xứ Alps, chỉ cần một tách cà phê nóng hổi và bánh mì giòn, thêm bình hoa tươi mới hái trong vườn, là có một bữa ăn ngon lành giản dị – Felkirch, Áo.

Chương đầu tiên của cuốn sách là một bức tranh London, Anh Quốc không hào nhoáng cũng chẳng cổ kính; hơn cả Big Ben, sông Thames hay lâu đài Windsor, đó là vẻ đẹp của những ký ức “gia đình” nơi đất khách quê người.

Một người trẻ Việt, ở chung nhà với hai anh bạn địa phương Alastair và Dave, thỉnh thoảng cao hứng lại tổ chức ăn barbeque: tiệc nướng ngoài trời, trong vườn nhà. Chỉ có ba người nên rất “gia đình”. Vườn mọc đầy hoa và ngay cạnh một khu rừng thưa làm người ta quên đi một nước Anh tráng lệ mà ngỡ là một chốn nào xa xôi, nghe mùi chảy mỡ xuống than xèo xèo thơm phức. Những ký ức giản đơn ấy mang theo kỉ niệm về một món ăn quen thuộc – không chỉ của London – mà còn của quê nhà Việt Nam, bánh mì.

Tất nhiên, bánh mì mỗi nơi mỗi khác. Đó là lí do tại sao chúng ta ngồi đây để đọc cuốn sách này, vì Giáng Uyên sẽ cho độc giả thấy cái phong phú, hài hước chứa trong phong vị của những chiếc bánh đơn giản nức mùi bột mì nóng hổi.

Khi trước tôi rất khoái ăn hai cùi bánh mì vì giòn giòn rất ngon. Nhưng hồi cấp II tôi có đứa bạn dặn rằng đừng bao giờ ăn hai cùi đó vì nhà người quen của nó làm lò bánh mì. Trong lò nóng quá nên mấy ông thợ làm bánh đều ở trần, mồ hôi nhễ nhại không có gì lau nên thỉnh thoảng lại lấy một ổ bánh mì lên gãi vào… nách cho đỡ ngứa ngáy.

Tác giả không chỉ hoài niệm bức tranh tuổi thơ của mình mà còn vẽ nên bức tranh của hàng ngàn người Việt khác. Ta dễ hình dung ra ngay, nào là bánh phết patê, bơ (bơ màu vàng đậm và có độ dẻo như mỡ đông), chả lụa thái sợi, thịt ba chỉ nấu kiểu chi mà miếng da đỏ chói “kinh điển” của miền Trung. Rồi từ Nha Trang, người ta đem đến mấy ổ bánh mì kẹp chả và chà bông, nhà văn lại khéo ngồi tẩn mẩn lượm hết chà bông ra bỏ rồi mới ăn vì tưởng bánh… dính mạng nhện. Còn nếu ăn sáng ở nhà thì đúng ngay là trứng ốpla lòng đào, lòng trắng viền vàng cong lên giòn tan, quệt bánh mì ăn với xì dầu và muối tiêu.

Thế mà, nói đi nói lại phong cách lạ đời nhất, bây giờ có lẽ đã thất truyền, là phong cách “sữa Ông Thọ”: bánh mì chấm với sữa nóng và thậm chí cả sữa đặc.

Phong cách “béo ngậy” là lạp xưởng và xì dầu, thường có mặt những ngày sau Tết, trưng dụng những cây lạp xưởng còn sót lại.

Nhưng đỉnh cao của bánh mì mà kí ức của một con người 30 năm in dấu chân mình trên nhiều đất nước còn lưu giữ được, ấy là phong cách “biển cả”. Bánh mì kẹp chả cá và một loại nước mắm ớt sền sệt, để cái giòn của bánh mới hơ bếp than hòa với cái dai của chả cá mối quết nhuyễn và nước mắm cay hít hà.

Lại nhớ về những năm đất nước còn lệ thuộc, nghèo khổ, ai còn nhớ chuyện Đói của Thạch Lam đã viết: “Sinh nhìn thấy mấy miếng thịt ướp hồng hào, mấy khoanh giò nạc mịn màng, mấy cái bánh tây vàng đỏ…”, vừa đọc vừa nuốt nước miếng ừng ực. Lúc đó, lắm người cứ tưởng bánh tây là bánh gì lạ lắm, sau mới biết là tên gọi khác của bánh mì thời thuộc địa.

Ta nhớ hình ảnh một ông đội mũ bêrê, trước giỏ xe có treo một ổ bánh mì dài ngoẵng. Bánh mì Pháp chân chính có vị ngọt chân phương của bột mì nướng đúng lửa, bẻ miếng bánh ra bên ngoài giòn tan, bên trong mềm nóng, quệt với bơ hoặc dầu ôliu ăn khai vị rất bắt, không cần thịt cá hải sản gì.

Những ngày lang thang nơi trời Âu, tác giả in đậm trong mình cái nhìn yêu thương với kệ bánh mì ở siêu thị Anh hay có món bánh pita (hoặc pitta), nhiều người chẳng hề hay biết, “quê hương” của ẻm là ởTrung Đông. Bánh màu trắng đục hình giống như chiếc túi, khi nướng phồng lên đầy hơi bên trong, xé chính giữa nhét thịt rau và ớt xanh vào rồi gặm. Đặc biệt là bánh pitta nướng chỉ đủ ấm vì phải ăn mềm. Về đến Hi Lạp, bánh được nhét với thịt heo hoặc thịt cừu ướp bia nướng xiên, còn ở Trung Đông, bánh hay được xé hoặc cắt miếng nhỏ chấm với hummus thơm vị chanh, vị tỏi hay ớt cay.

Lại chẳng quên nói đến Tây Ban Nha, nổi tiếng nhất có lẽ là pan gallego (bánh mì xứ Galicia), tròn, màu nâu nứt ra làm bốn khía phía trên, nhìn giống như một hạt dẻ rang khổng lồ chờ tách ra nhấm nháp vị giòn bùi. Người bán rắc thêm hạt hướng dương hoặc hạt bí, ăn vui miệng. Hay như ciabatta, một loại bánh mì Ý, tên ciabatta – tiếng Ý nghĩa là “chiếc dép”, màu vàng nâu phủ một lớp bột trắng mỏng bên trên, nửa dẹp nửa phồng, bẻ ra bên trong xốp lỗ chỗ như tổ ong, mùi dầu ôliu quyện trong miệng thoáng làm ta nhớ tới những bờ biển Địa Trung Hải.

Như vậy, dường là nửa đùa nửa thật, ta nói: vị bánh mì cũng là vị của hồn người. Ai lớn lên ở đâu, thích ăn bánh mì gì, thích ăn như thế nào thì có cái “chất” riêng của những chiếc bánh mì nơi ấy.

Tác giả đặt tâm điểm của cuộc trò chuyện đầu tiên vào ký ức, vào nỗi “thương nhớ” bánh mì. Nhà văn có lẽ muốn phô hết cái phong phú, sáng tạo, cái đặc trưng thấm nhuần trong phong cách bánh mì thế giới. Cách tác giả viết rất nhanh, rất dồn dập, gợi ra hết mùi này đến vị khác, khiến người ta, trước thèm cái ngon bốn bể, sau nhớ vị ngon quê nhà.

Nhưng không phải là đuổi theo để có bao nhiêu cái hay xòe ra cho kì hết, Giáng Uyên chỉ kể thôi, kể một ít mà làm trái tim  “xao xuyến”, Uyên không nói quá nhiều về vị giác nơi đầu lưỡi, chỉ tả cái đầy ắp, cái phong phú trong mỗi chiếc bánh, bởi cùng một điều để nếm trải thì cũng chẳng ai hoàn toàn giống ai cả, mỗi vị ngon lại “kẹp” trong mình những câu chuyện cá nhân, vui buồn hòa quyện, bởi thế mà ta mong giữ chúng cho riêng mình, như một cách “thưởng bánh mì” bằng tâm chứ không phải bằng dạ dày. Cái hay ở chỗ: ẩm thực (hay bánh mì) không chỉ “thỏa mãn” dạ dày của ta mà còn “nuông chiều” tâm hồn con người, khiến ta “lúc ở không quên, lúc đi khôn nhớ”.

3. SLOVENIA, NGON QUÊN ĐƯỜNG VỀ

Một set menu hải sản được dọn lên bàn ăn hướng ra Địa Trung Hải xanh thẳm lấp loáng nắng trưa, trong những cơn gió lồng lộng thổi từ biển – Piran, Slovenia.

Ai từng nhìn xuống thung lũng xanh rờn thích mắt, được hít thở không khí buổi sáng vùng núi xứ Alps làm người nhẹ tênh hẳn còn nhớ gibanica, bánh truyền thống Slovenia và các nước vùng Balkan. Bánh được sắp thành một lớp bột mỏng, loại bột nướng cắn vào giòn như bánh sừng trâu của Pháp, ở giữa kẹp phô mai ngọt mềm mại và hạt poppy giống mè đen li ti. Muốn no hơn một tí thì có món cá nướng tuyệt ngon đầu bếp không mang ra một đĩa philê nhỏ mà cho nguyên một con cá khổng lồ dài gần hai gang tay lên bếp.

Bếp nướng đặt trực tiếp trước mặt, khách có thể nghe thấy tiếng xèo xèo của mỡ cá và mùi thơm dậy lên làm chảy nước miếng. Lớp da cá chín vàng giòn, bên trong thịt trắng muốt và chắc nịch, ăn với khoai tây và món rau spinach địa phương luộc trộn muối hột và dầu ôliu đậm đà, kèm ngụm rượu vang trắng làm đê mê đầu lưỡi.

 Đừng nghĩ pizza đỉnh nhất là phải chọn bằng được pizza Ý. Hôm nào trời mưa chút, lạnh chút, có thể gọi một chiếc pizza Slovenia. Lớp bột bên dưới và rìa bánh giòn rụm nhưng bên trong lại dẻo mềm nhờ lớp phômai vàng nhạt lẫn với cà chua đỏ óng ánh, bề mặt đầy hải sản mực, cá, tôm, cua, sò, vẹm.

4. ĂN HÀNG CHỢ HELSINKI

 

Bánh mì thơm  Cà phê đắng Táo ở chợ Helsinki, Phần Lan màu đỏ hồng, chỉ bằng nắm tay, da bóng lưỡng. Ngoài ra, so với Phần Lan, các nước châu Âu khác kém xa về chủng loại berry tươi mọng.

Nếu bánh mì được trưng trên các kệ của Anh Quốc; pizza, gibanica và cá nướng của Slovenia được dọn ra tại quán thì ẩm thực Phần Lan lại được khắc họa qua bức tranh chơ búa gần gũi.

Không giống như vào tiệm, vào siêu thị. Ở chợ, mọi thứ sát kề, đông đúc, tràn ngập mà tự do không bài trí dụng tâm, nhưng lại rất thích mắt; mỗi khu chợ địa phương lại là nơi hội họp của những món ngon dân dã, bản địa nhất, mà những buổi tiệc tùng, chiêu đãi không thể cho ta được.

Chợ Helsinki hút mắt nhất là ở trái cây và rau củ phong phú nơi đây. Đứng trước các quầy trái cây, bạn dễ bị “chóng mặt” không biết phải chọn lựa gì, vì berry ở đây loại nào trông cũng ngon lành, căng mẩy, nhất là dâu mây (cloundberry) múi tròn mọng màu hổ phách mọc hoang trong những cánh rừng xứ Lapland – quê hương ông già Noel. Ở Phần Lan, các loại berry chín chậm hơn nhưng nơi khác, được bán đong bằng lon, cách bán dân dã đã “thất truyền” từ lâu ở những điểm hiện đại hơn nhưng siêu thị hay các của hàng tiện nghi. Ba euro một lon vun đầy trái đỏ ối, nhỏ bằng đầu ngón út, mọng nước tròn trĩnh. Táo ở đâu màu không đỏ tía như táo Mỹ cũng không nhợt nhạt như táo Trung Quốc mà có khúc đó tươi có khúc vàng hườm, chỉ bằng nắm tay, da bóng lưỡng chỉ cần tưởng tượng cắn ngập răng vào đó nước tao ngọt thanh sẽ tràn ngập trong miệng. Quầy rau củ trông cũng thật ngon mắt, nhất là dãy nấm dại vàng mướt nuột nà chỉ có ở những vùng rừng phía Bắc Phần Lan.

Hải sản ở Phần Lan rất tươi và là một phần không thể tách rời trong bữa ăn hàng ngày của người bản xứ. Ngư dân với thuyền đầy ắp cá hồi và tôm mới đánh được, mang thẳng ra quầy ăn để chế biến ngay tại chỗ cho khách. Bảng thực đơn được sơn vẽ trên tấm bạt che mưa phía trên đầu người bán được viết toàn bằng tiếng địa phương, không có tiếng Anh. Nhưng bạn cũng không lo gọi nhầm món vì có thể chỉ trực tiếp vào món người bán đang nấu trong những chảo gang khổng lồ, mùi mỡ xèo xèo nức mũi.

Nhiều người chọn món cá chiên hỗn hợp: gồm một loại cá nhỏ như cá cơm được bọc lớp bột mỏng đem chiên giòn, philê cá hồi hồng tươi và cá trích nguyên con. Một đĩa 8 euro chấm với sốt ớt hoặc mayonnaise đến no. Cũng có người thích ăn cá hồi xông khói đỏ au mềm mại kèm bánh rye bằng lúa mạch màu nâu đen có lỗ tròn lớn ở giữa, có nguồn gốc là bánh dành cho nông dân Phần Lan.

Đặc sản nơi đây có thể kể đến cá trích biển Baltic nướng than ăn kèm nước sốt bơ đun chảy với rau thì là xắt nhuyễn hoặc thịt băm viên tròn kiểu truyền thống sốt cà chua. Bạn cũng có thể tạt vào quầy súp, gọi một tô súp cá hồi  bốc khói nước súp nóng bỏng, với những sớ phi lê cá hồi hồng hồng dầm lẫn khoai tây vàng ươm.

>>> Xem thêm:

5. ĂN, ĂN NỮA, ĂN MÃI

Nghe có vẻ buồn cười, nhưng bản thân cuốn sách chính là vậy. Một tác phẩm về ẩm thực, không phải là những món nổi tiếng nhất, biểu tượng nhất, mà là những trải nghiệm bình dân của một kẻ không thích men theo sách, báo đề khám phá. Một kẻ không đi theo chỉ dẫn của bản đồ mà lặng lẽ chờ cái “duyên”. Một cái “duyên” theo người đi khắp chốn 30 năm để “sa chân” vào chốn đầy vị ngon mùi lạ.

  • Chợ hải sản Paris, Pháp là một bữa tiệc về hình ảnh, màu sắc, mùi vị của đủ chủng loại cá tươi, tôm hùm béo núc, cua lớn bằng hai bàn tay, sò điệp đỏ au, hàu xù xì gai xám, mực nang trắng phau…
  • Quán cà phê ngoài trời se lạnh có sẵn… mền cho khách quấn – Stockholm, Thuỵ Điển
  • Món trà kem trong một nhà hàng lợp tranh được xây dựng từ năm 1627 vùng rừng New Forest.
  • Bữa tiệc cá nướng và bia ngoài trời ở xứ nhà trắng biển xanh. – Evia, Hi Lạp.
  • Quảng cáo bánh mì Verona, Ý, bằng hình ảnh… cô gái Sài Gòn.
  • Cứ vài muỗng kem bánh (không phải bánh kem) lại hớp ít cà phê nóng thơm phức đăng đắng để dung hòa vị ngọt. – Lisbon, Bồ Đào Nha.
  • Món smorrebod với lớp bánh lúa mạch dẻo mềm, bị che lấp bở lớp Rullepolse nuột nà sớ thịt mỏng và dai, lớp rau thơm giòn mát rượi để lại vị hơi the the trong cổ họng và lớp thạch làm từ gan và mỡ vịt nấu đông mặn tan trong miệng – Copenhagen, Đan Mạch
  • Những trái mâm xôi mới hái trong vườn nhà bạn, tươi rói trên tay – Harpenden, Anh
  • Những chiếc bánh waf le to tướng còn bốc khói nghi ngút, được nhóm tr con địa phương thích thú thổi vào bánh phù phù làm tôi cầm lòng không đậu cũng xếp hàng mua một chiếc. – Ghent, Bỉ
  • Người bản xứ chỉ ăn bốc bằng tay, bánh injera thay dĩa, khi ăn xong ăn cả “dĩa” khỏi phải rửa chén nhiêu khê.

Mỗi một vùng lại là một câu chuyện ngắn, không quá dài, tác giả viết cũng tự nhiên, bản thân có gì viết nấy, chẳng phải cố công chau chuốt bay bổng mà bạn đọc cũng không “ngán”.

Khác với các tác phẩm ẩm thực thường thấy – đặt chính món ăn, địa phương sở tại và người chế biến làm trung tâm, Bánh mì thơm, Cà phê đắng xoay quanh trải nghiệm, hồi ức, lấy cảm hứng từ chính bản thân tác giả. Bởi vậy, khi mỗi món ăn xuất hiện thường rất nhanh, món này rồi tới món khác, nhiều nhưng không sâu. Bởi thực chất đâu cần phải “sâu” mới hay, Giáng Uyên chủ yếu viết ra vài điều bản thân tâm đắc, nhớ nhung, còn việc thưởng thức, chiêm ngưỡng xem ngon dở thế nào, vẫn nên là để dích thân mỗi người tới tận nơi nghiệm chứng. Ẩm thực vốn dĩ là mỗi người một tâm, món ăn đâu thể “mắt thấy tai nghe” mà đã chắc tường tận, phải tự đặt lên đầu lưỡi mới rõ thực hư, mới biết “ký ức của dạ dày” mà vị giác mang đến lợi hại như thế nào.

6. LỜI KẾT

Như đã nói ở trên, ai đang đi tìm bí quyết ẩm thực hay món ngon tiệc tùng thì không nên mua sách làm gì cho phí. Bởi trong sách đâu có hướng dẫn cái gì đâu. Chỉ là một con người lắm “duyên” với ẩm thực, ăn được những món bản thân thích thú vừa lòng thì viết lại đôi dòng mà thôi. Chắc có lẽ tác phẩm sẽ hợp với những ai đang xa nhà, xa quê, hoặc thường xuyên bôn ba khắp nẻo, hay thậm chí là vài kẻ yêu tự do, thích khám phá, muốn tìm ngay một chốn dừng chân để “chiều lòng” dạ dày của mình.

Có thể khẳng định một điều rằng. Cuốn sách “Bánh mì thơm Cà phê đắng” không phải là bộ sưu tập ẩm thực chỉn chu, có hệ thống mà đơn thuần chỉ là sự kết nối cảm xúc theo hứng khởi chủ quan của tác giả  mỗi khi dùng xong món ăn mới… song cũng phần nào giúp bạn đọc hiểu thêm về tính đa dạng của văn hóa ẩm thực của nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới.

Cuối lời, cám ơn các bạn đã đọc bài review và ủng hộ blog con học giỏi trong thời gian qua. Chúc các bạn có thể đi nhiều nơi, thưởng thức nhiều món ăn ngon như tác giả nhé.  🙄 

XEM GIÁ BÁN TẠI TIKI

1
Để lại bình luận

avatar
100
1 Comment threads
0 Thread replies
0 Followers
 
Most reacted comment
Hottest comment thread

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  Subscribe  
Notify of
Quách Ngọc Mai
Guest
Quách Ngọc Mai

Có lẽ cuốn sách sẽ phù hợp với mẹ mình
Một ng cực thích nấu ăn