Mình tìm đọc Kitchen là vì thấy Namjoon (RM – BTS) đọc nó trong BTS Comeback Show Hightlight reel, một phần cũng là do biết được rằng tác phẩm này được bộ Ngoại giao Nhật Bản tặng cho các đoàn đại biểu Ngoại Quốc tại hội nghị thượng đỉnh G7 vào năm 1993.
Và đến khi đọc xong cuốn sách, mình mới hiểu tại sao mọi người lại yêu mến tác phẩm này đến vậy. Với sự giản dị và gần gũi của nội dung và ý nghĩa, mình tin chắc rằng Kitchen sẽ để lại một ấn tượng đặc biệt trong lòng bạn, kể cả bạn có không yêu bếp núc đi chăng nữa.
Mục lục
1. Banana Yoshimoto và tác phẩm đầu tay Kitchen
Trước khi tìm hiểu nội dung tác phẩm Kitchen, mình muốn giới thiệu thêm về tác giả Banana Yoshimoto và đôi chút thông tin về cuốn sách.
Banana Yoshimoto (24/07/1964) tên đầy đủ là Mahoko Yoshimoto, là con gái của triết gia Nhật Takaaki Yoshimoto. Banana bắt đầu sự nghiệp viết văn vào năm 1987 với tiểu thuyết Kitchen. Với thành tích 2,5 triệu bản sách được bán ra và tái bản hơn 60 lần, tác phẩm này chính thức trở thành một hiện tượng mà mọi người gọi đó là “Bananamania” (Hội chứng Banana).
Tác phẩm đầu tay này đã mang về cho nữ tác giả một khối giải thưởng đồ sộ như Kaien Newcomer Writers Prize (1987), Umitsubame First Novel Prize, Best Newcomer Artists Recommened Prize của Bộ Giáo dục,… Tác phẩm này đã được chuyển thể thành hai bộ phim, trong đó có một bộ phim của Hong Kong do đạo diễn Yim Ho sản xuất vào năm 1987. Hàng loạt tác phẩm như Lisard, Asleep, Goodbye Tsugumy, Sly, N.P,… càng khẳng định tài năng của Banana Yoshi.
Khi đọc nhan đề cuốn sách: Kitchen¹, mình đã nghĩ nó nói về nấu nướng và đồ ăn. Thậm chí tác giả còn lấy tên là Banana² cơ mà. Nhưng nội dung của cuốn sách lại sâu sắc và ý nghĩa hơn nhiều những gì mình nghĩ.
¹: “Bếp” trong tiếng Anh
²: “Chuối” trong tiếng Anh
- Xem thêm bài viết: Hãy chăm sóc mẹ – Thông điệp gửi tới người làm con, làm chồng.
2. Khi niềm an ủi duy nhất là bếp
“Tôi nghĩ rằng nơi tôi yêu thích nhất trên thế gian này là bếp.
Chỉ cần nó là bếp, chỉ cần nó là nơi nấu ăn, thì dù ở nơi đâu, như thế nào, tôi cũng cảm thấy không còn buồn bã. Nếu nó được sử dụng thường xuyên, đúng nghĩa của một cái bếp thì càng tốt. Những chiếc giẻ lau khô ráo, tinh tươm và những tấm đá ốp tường trắng lóng lánh.”
Ngay từ những dòng đầu tiên, Kitchen đã cho ấn tượng đầu tiên về nhân vật chính – một cô gái có niềm yêu bếp, Mikage Sakurai. Cô có niềm yêu thích với bếp vô cùng to lớn. Chỉ cần có một không gian nấu ăn riêng, Mikage có thể cảm thấy thoải mái hơn và không cảm thấy buồn bã nữa. Tình yêu đối với bếp lớn tới nỗi cô còn thích cả những cái bếp bẩn thỉu. Nhất là khi dành thời gian lau dọn chúng, lúc đó tinh thần của Mikage cũng sẽ trở nên tốt hơn. Như vậy, bếp chính là một người bạn, một nơi mà cô có thể dựa vào và chia sẻ cảm xúc để bớt cô đơn. Người bà – người thân duy nhất của Mikage cũng đã mất, để lại cô với căn bếp một mình. Trống trải và cô đơn, cô biết chỉ có bếp mới có thể an ủi mình.
Hạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản có vậy. Được làm những việc mình yêu thích và tận hưởng bằng cả trái tim sẽ làm cho cuộc đời trở nên tươi đẹp hơn.
- Xem thêm bài viết: Những người ra đi từ Omelas – Sự lựa chọn giữa ở lại và rời đi.
3. Sự ra đi không phải là kết thúc
May mắn thay, cho đến một ngày, một cậu bạn tên Yuichi Tanabe mời cô đến sống cùng hai mẹ con cậu. Cùng với căn bếp ấm áp tại căn hộ và sự đồng cảm bình dị giữa mọi người trong nhà, Mikage đã có một cuộc sống ấm cúng. Nỗi buồn sau khi mất bà như được chữa lành nhờ mẹ con cậu Yuichi. Tâm trạng cô độc, sợ hãi, hoang mang đều không còn trong tâm trí Mikage nữa. Cô nhận ra:
“Rồi sẽ có bao nhiêu chuyện khi tôi lớn hơn, sẽ bao lần nữa tôi suy sụp, như chìm sâu xuống đáy vực. Sẽ bao lần nữa tôi khốn đốn, nhưng sẽ là ngần ấy lần tôi trở về. Tôi sẽ không đầu hàng. Tôi sẽ không buông tay.”
Mà điều khiến cho ta cứ muốn đọc nữa, đọc mãi là nhờ cách viết chân thực của Banana và cách gây dựng nội dung của nữ tác giả. Mẹ con cậu Yuichi để lại một ấn tượng đặc biệt trong lòng độc giả nhờ tình cảm yêu thương giữa hai người họ và theo cách riêng có hơi “kì quặc”. Sở dĩ gọi nó là “kì quặc” vì mẹ của Yuichi là bà Eriko, trước kia là đàn ông nhưng vì muốn cậu con trai của mình có hơi ấm của người mẹ nên đã quyết định chuyển giới sau khi mẹ của Yuichi mất. Vậy là, cả cậu và Mikage đều được sống trong sự quan tâm và ấm áp của Eriko. Cô Eriko đã cho Mikage nhận ra rằng sự mất mát người thân là điều hiển nhiên không thể tránh được, ta phải biết vượt qua nỗi đau để tiếp tục sống.
“Thế giới này đâu phải dành riêng cho ta. Vì vậy, xác suất lặp lại của những chuyện mà ta luôn sợ rằng nó sẽ đến là không hề thay đổi. Ta không thể tự mình quyết định được điều đó. Thế nên, chi bằng quyết tâm làm cho những chuyện khác trở nên thật vui vẻ có phải tốt hơn không?…”
- Xem thêm bài viết: Cánh buồm đỏ thắm – Niềm tin và hy vọng
4. Hạnh phúc là sự sẻ chia với nhau
Tuy nhiên, Eriko không may qua đời trong một vụ án xảy ra tại nơi làm việc. Khi này, hai người bạn trẻ bắt đầu biết chia sẻ nhiều sự quan tâm hơn với nhau. Không nói lời yêu thương hay có cử chỉ thân mật với nhau, nhưng đọc truyện để thấy được Mikage và Yuichi cần nhau thế nào. Không quản ngại đường xa để được ăn cùng với cậu bạn Yuichi, đó chỉ có thể là Mikage. Và dù chỉ là những lời khen bình thường của cậu cũng đủ làm cô cảm thấy hạnh phúc.
“Sao ăn bất cứ thứ gì với Mikage cũng đều ngon vậy nhỉ?”
“Không phải vì cơn đói lòng và cơn đói tình đều được thỏa mãn cùng lúc sao?”
“Có lẽ trong đời mình chưa từng được ăn tô katsudon nào ngon thế này. Ngon quá đi mất. Lần này mất mặt quá. Lần tới mình sẽ tỏ ra đàn ông mạnh mẽ hơn.”
Kitchen không chỉ viết mỗi như vậy, mà nó còn gửi gắm thông điệp tình bạn giữa hai người bạn khác là Yumiko và Hiiragi. Một điểm trừ cho Kitchen là liên tục nhắc đến sự mất mát. Và ở phần này cũng vậy, người bạn thân của Hiiragi là Yumiko đã rời xa thế gian này. Để mọi người luôn nhớ tới người bạn của mình, cậu bạn Hiiragi đã lựa chọn bằng cách mặc chiếc váy của cô bạn…
5. Kitchen – một áng văn ngọt ngào
Qua ngòi bút của tác giả Banana, tiểu thuyết Kitchen còn thu hút bạn đọc qua những sự đối lập được viết bằng lời của Mikage. Nếu như những nhân vật trong truyện được miêu tả cô đơn bao nhiêu thì tình bạn và tình yêu lại hiện ra đẹp bấy nhiêu. Và cả quang cảnh u ám xung quanh cũng đối lập hoàn toàn với tinh thần yêu đời của nhân vật và ý nghĩa truyện. Độc giả sẽ tìm thấy sự lạc quan len lỏi trong từng câu chữ của lời nhân vật Mikage.
Trong phần đầu của cuốn sách, nhà xuất bản đã nhận xét:
“Những người yêu thích Banana Yoshimoto còn có thể nói về một lối viết thật hiệu quả, của một người kể chuyện có tài ở chỗ đã chạm khắc ít thôi nhưng lại chạm khắc tinh xảo, một dạng bonsai của từ ngữ. Và, dù cái thế giới đó rút cục cũng chẳng rộng lớn gì, không hề có bóng dáng các tầng không gian thời gian trong những câu chuyện kể như là nhấm nháp tâm trạng đó, cùng sự duy mỹ đôi khi lặp lại khiến người ta như bị ru ngủ trong cái ngưng đọng của tiểu tiết, Kitchen vẫn là một tác phẩm sâu lắng, ngời sáng, có thể đánh thức trong ta sự đồng cảm với những gắn bó sâu xa, tha thiết nơi con người. Và nữa, nhân vật trẻ tuổi trong tác phẩm của Banana, những người đang cố lòng tìm cho mình một chỗ đứng trong một vũ trụ lạnh lẽo, trống trải, họ khiến ta vui với sự ngây thơ, gan góc, và mẫn cảm thái quá… Có một cái gì rất non trẻ trong cảm giác về bản thân của họ, trong cách mà họ cố vận hết sức lực đơn độc từ cái tuổi trẻ vừa u sầu vừa tươi tắn, để chiến thắng tăm tối và hỗn mang đã luôn rình rập trong tiềm thức…”
Đọc Kitchen để thấy được tinh thần lạc quan của Mikage, sự tốt bụng của Yuichi, sự dịu dàng và lòng nhân hậu đáng ngưỡng mộ của cô Eriko. Còn phải kể đến lòng chung thành của Hiiragi dành cho Yumiko và người bạn Urara của Mikage với sự thân thiện và dễ mến. Và khi đọc xong cuốn sách, ta sẽ như có thêm một ít sức mạnh để bước tiếp trên hành trình của cuộc đời.
ĐỖ NGỌC DIỆU ANH
- TÁC GIẢ80%
- TRÌNH BÀY80%
- ẢNH MINH HOẠ90%
Đọc xong cuốn này muốn trở về với mẹ, để ôm mẹ, yêu thương mẹ và quan tâm mẹ nhiều hơn…
Mới mua đọc cuốn này và rất hay nhe mọi người