REVIEW SÁCH ĐIỂM BÙNG PHÁT
REVIEW SÁCH

REVIEW SÁCH ĐIỂM BÙNG PHÁT

Nếu “Điểm bùng phát” của virus Corona là ở Vũ Hán (Trung Quốc) làm cho mọi người lo sợ về một đại dịch toàn cầu. Thì “Điểm bùng phát” của Malcolm Gladwell lại có một sức hút vô cùng mạnh mẽ, bùng phát như một ngọn lửa, bởi lẽ cuốn sách sẽ giúp chúng ta biết cách làm thế nào những điều nhỏ bé có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong cuộc đời  mỗi con người.

1. ĐÔI NÉT VỀ “ĐIỂM BÙNG PHÁT” VÀ TÁC GIẢ MALCOLM GLADWELL

Điểm bùng phát

Malcolm Gladwell sinh 1963 tại Anh, là một diễn giả, tác giả, nhà báo gốc Canada. Ngay từ khi còn nhỏ, Gladwell đã được nhận xét là một cậu bé có tư duy độc lập độc đáo và đầy tham vọng.

Các tác phẩm của Gladwell  thường hướng tới, đào sâu và khuyến khích ứng dụng của tâm lí học xã hội. Tính đến hiện tại, ông đã viết 5 cuốn sách: Điểm Bùng Phát (2000); Trong Chớp Mắt (2005); Những Kẻ Xuất Chúng (2008); Chú Chó Nhìn Thấy Gì (2009), cuối cùng là David và Goliath (2013). Tất cả năm cuốn sách đều trở thành Best-Seller – nằm trong danh sách Bán Chạy Nhất của The New York Times.

Ông được trao Huân chương cao quý thứ hai của Canada vào ngày 30 tháng 6 năm 2011.

Khi Gladwell là một phóng viên của tờ Washington Post, ông từng phụ trách chủ đề về đại dịch AIDS. Công việc này gợi cho ông những chú ý ban đầu đến chủ đề “các bệnh dịch lạ xuất hiện và diễn biến như thế nào ?”, từ đó ông nhận ra “có một góc nhìn khác về thế giới” dưới con mắt của các nhà dịch tễ học. Thuật ngữ “điểm bùng phát” cũng xuất phát từ ngành dịch tễ học, đó là thời điểm khi virus đạt đến lượng nhất định và bắt đầu lây lan ở một tỷ lệ cao hơn nhiều.

Cảm hứng đầu tiên cho cuốn sách đầu tay Điểm bùng phát đến từ đợt ân xá tội phạm bất ngờ ở thành Phố New York. Tuy nhiên, ông muốn cuốn sách có một sức hấp dẫn lớn hơn chứ không chỉ là câu chuyên về những tên tội phạm, và ông đã tìm ra giải pháp cho vấn đề bằng cách giải thích một hiện tượng tương tự qua lăng kính của dịch tễ học.

Với tác phẩm này, độc giả sẽ theo chân Malcolm bước vào thế giới của 3 nhân vật thú vị: Nhà Thông Thái, Người Kết Nối và Người Bán Hàng – những người có vai trò chủ chốt trong các đại dịch truyền khẩu có khả năng xoay vần cả khẩu vị, xu hướng và thời trang của tất cả chúng ta.

 Nào, nhanh chân lên ! Chúng ta sẽ bật tivi để cùng nhau thưởng thức chương trình Sesame Street và Blue’s Clues, sau đó ra khỏi nhà và bắt xe tới Delawere thăm một công ty công nghệ cao, cuối cùng là gửi lời chào tới những nhân viên của hệ thống giao thông ngầm của New York để tìm kiếm câu trả lời cho hai vấn đề mà tất cả chúng ta đều muốn thực hiện được trên cương vị nhà giáo dục, phụ huynh, người làm marketing, doanh nhân và nhà làm luật. Hai câu hỏi đó là: Tại sao chỉ có một số ý tưởng, một số hành vi hay một số sản phẩm có thể khởi phát đại dịch còn một số khác thì không? Và chúng ta có thể làm gì để có thể tự mình khởi phát và kiểm soát các đại dịch vì mục đích riêng?

2. CHƯƠNG 1: BA QUY LUẬT CỦA ĐẠI DỊCH

Có thể nói chương 1 mang nội dung khái quát toàn tác phẩm. Bằng cách đặt vấn đề với nạn bệnh tật của những năm 90, tác giả dần mở ra những định hướng cơ bản đầu tiên cho việc vấn đáp xung quanh “sự bùng phát”.

Xuyên suốt tác phẩm, Malcolm đặt trọng tâm của cuộc trò chuyện vào ba quy luật của Điểm Bùng Phát – Quy tắc thiểu số, Yếu tố kết dính và Sức mạnh của hoàn cảnh, theo đó đưa ra một phương thức nhận thức đúng đắn về đại dịch. Các quy luật này là kim chỉ nam dẫn chúng ta đi tới Điểm Bùng Phát. Cuốn sách sẽ bám sát các quy luật này và áp dụng chúng vào những tình huống nan giải cũng như các đại dịch xuất hiện ở thế giới quanh ta.

Ba quy luật sẽ hỗ trợ chúng ta như thế nào trong việc hiểu rõ Điểm Bùng Phát ? Chẳng hạn như vấn nạn hút thuốc của trẻ vị thành niên, hiện tượng truyền khẩu, tội phạm hay sự xuất hiện của một cuốn sách bán chạy? Câu trả lời sẽ khiến bạn bất ngờ.

Giữa thập niên 1990, cả thành phố Baltimore bị tấn công bởi sự lây lan của căn bệnh giang mai. Từ năm 1995 đến 1996, số trẻ sinh ra mắc bệnh này tăng 500%. Đường mô tả tỷ lệ bệnh giang mai nếu biểu diễn trên biểu đồ là đường thẳng trong nhiều năm, khi đến mốc năm 1995, tỷ lệ nhiễm bệnh tăng lên đã khiến đường này bẻ ngoặt thành một góc vuông.

Vậy điều gì đã đẩy vấn nạn giang mai lên cao đến thế ?

Theo CDC (Trung tâm kiểm soát bệnh dịch), nguyên nhân của vấn nạn này chính là crack cocaine. Trong khi đó, Giáo sư John Zenilman của trường Đại học Johns Hopkins ở Baltimore – một chuyên gia về các bệnh lây truyền qua đường tình dục, lại đưa ra cách giải thích khác liên quan đến sự xuống cấp của dịch vụ chăm sóc y tế ở những khu vực nghèo nhất của thành phố.

Quan điểm thứ ba là của bác sĩ John Potterat – một trong những nhà dịch tễ học hàng đầu trong nước. Ông cho rằng thủ phạm là những thay đổi vật chất trong những năm gần đó đã ảnh hưởng lên phần phía Đông và Tây – hai khu vực lạc hậu và trì trệ ở vùng lân cận của Baltimore – cũng là tâm điểm của vấn nạn giang mai. Ông chỉ trích chính quyền thành phố đã tiến hành công khai, rộng rãi dự án xoá bỏ những khu chung cư cũ nát tập trung ở phía Đông và Tây Baltimore; động thái trên của chính quyền đã tiếp tay cho những kẻ khốn cùng.

Trong nhiều năm qua, bệnh giang mai chỉ giới hạn ở những khu vực đặc biệt của Baltimore, trong các mạng lưới kiểm soát gắt gao hoạt động tình dục xã hội. Nhưng phương án di dời nhà lại đưa những người nhiễm bệnh tới khu vực khác, mang theo cả căn bệnh giang mai và lối sống, hành vi của họ và từ đó lây lan dịch bệnh ra các địa bàn khác.

Quan điểm của 3 học giả trên đã châm ngòi cho những tư duy của Malcolm Gladwell về sự bùng phát kinh ngạc của một thứ gì đó, khái quát hơn là bệnh dịch. Cùng suy nghĩ về vấn đề này, tuy nhiên, Malcolm lại có cái nhìn mới so với 3 nhà chuyên môn. Ông cho rằng: đại dịch không chỉ bùng phát vì một nguyên nhân duy nhất và theo một chiều hướng duy nhất. Hay nói đơn giản hơn, tại sao chúng ta không giải thích sự bùng phát của bệnh giang mai bằng cả 3 lý do trên thay vì chỉ chọn tin 1 trong số chúng ?

Khi một đại dịch bùng phát thì điều đó đồng nghĩa với việc đã có thay đổi nào đó bất ngờ xuất hiện trong phạm vi những người truyền tác nhân lây nhiễm, chính tác nhân lây nhiễm đó và cả môi trường mà trong đó tác nhân lây nhiễm hoạt động. Ứng với các phạm vi đó là ba tác nhân biến đổi nòng cốt được Malcolm phát hiện, tạm gọi là: Quy tắc thiểu số; Yếu tố kết dínhSức mạnh của hoàn cảnh.

3. CHƯƠNG 2: QUY LUẬT THIỂU SỐ

Điểm bùng phát

Ở chương 2 của “Điểm bùng phát“, chúng ta sẽ đi sâu vào Quy luật thiểu số, hay nói khác đi là cách mà một cá nhân có thể tạo nên biến chuyển trong toàn xã hội.

Quy luật thiểu số cho rằng có những cá nhân khác biệt với chúng ta, có được khả năng khởi phát những đại dịch. Và tất cả những gì chúng ta cần làm là tìm ra họ.

Nội dung của cả chương đề cập đến những người liên đới trực tiếp tới các đại dịch xã hội và yếu tố nào khiến cho một vài cá nhân trở nên khác biệt so với phần còn lại của xã hội, từ đó biến họ thành một trong những nhân tố tạo nên “sự bùng phát”. Ta sẽ chia những con người như thế thành 3 nhóm đại diện: Người Kết Nối, Nhà Thông Thái và Người Bán Hàng.

Đầu tiên, hãy cùng làm thân với anh bạn Người Kết Nối.

Nào, giờ thì lục lại danh sách những người quen của bạn và tự hỏi xem những người quen nào được giới thiệu tới bạn qua cùng một cá nhân trung gian ? Trong số các cá nhân trung gian đó, ai là người tham gia nhiều nhất trong việc hình thành đa số các mối quan hệ xã hội của bạn ? Vòng quan hệ xã hội của một vài người trên thực tế không phải là một vòng tròn. Nó là một hình Kim tự tháp. Trên đỉnh Kim tự tháp là một cá nhân đơn lẻ – người chịu trách nhiệm trước đại đa số những mối quan hệ tạo ra ảnh hưởng trong cuộc sống của bản thân cá nhân đang xét. Và những người đứng trên đỉnh cao đó thường có vòng tròn xã hội lớn gấp nhiều lần người khác.

Nói một cách hình ảnh thì rải rác trên mọi nẻo đường của cuộc sống, có một số người sở hữu được một khả năng thật sự phi thường trong kết giao bạn bè và tạo dựng quan hệ. Họ là chính Người Kết Nối. Chính họ là yếu tố quan trọng kết nối chúng ta với thế giới, dẫn dắt chúng ta tham gia vào vòng tròn xã hội – những người chúng ta đặt niềm tin sâu sắc hơn mức chúng ta nhận – những người có khả năng đặc biệt là đem thế giới lại gần nhau.

Nhờ mối tương quan mật thiết với đa mặt của thế giới, Người Kết Nối dễ dàng chiếm ưu thế trong việc truyền đi các thông điệp (thậm chí là những thứ lớn hơn, trừu tượng hơn). Tuy nhiên, sẽ thật thiếu sót khi nghĩ rằng Người Kết Nối chỉ là những chủ thể của đại dịch xã hội.

Tiếp theo, hãy xin ý kiến của Nhà Thông Thái để có những quyết định sáng suốt hơn.

Nếu một Người Kết Nối có thể khuyên 10 người bạn nên nghỉ ở đâu ở Los Algeles và có thể một nửa trong số đó sẽ nghe theo. Còn với một Nhà Thông Thái, anh ta có thể chỉ nói với năm người bạn về khách sạn tại Los Angeles nhưng lại khiến cho lời giới thiệu ấn tượng đến mức tất cả năm người đều tìm đến khách sạn đó.

Và đó là lý do khiến Nhà Thông Thái có được sức mạnh có thể khởi phát những đại dịch truyền khẩu. Họ không loan tin đến cả thế giới để phủ sóng một điều gì đó mà chỉ đem chúng tới cho một vài người, và rồi khiến họ phải tự đem điều đó cho những người còn lại trên thế giới một cách hoàn toàn tự nguyện.

Khi đã chọn được thứ yêu thích, hãy liên lạc với Người Bán Hàng.

Trong một đại dịch xã hội, Nhà Thông Thái trở thành những ngân hàng dữ liệu. Họ cung cấp thông tin, còn những Người Kết Nối là chất kết dính xã hội: họ phát tán những thông tin đó. Nhưng ngoài ra, còn có thêm một nhóm người điển hình nữa – đó là những Người Bán Hàng. Họ sở hữu những kỹ năng thuyết phục khi chúng ta vẫn hồ nghi những gì nghe được. Họ cũng là thành tố cơ bản trong quá trình khởi phát đại dịch truyền khẩu tương tự như hai nhóm nói trên.

Qua 3 nhóm người, Malcom đã khai thác phạm vi đầu tiên trong số những cốt lõi nằm sau “đại dịch”.

 Như những cuốn sách hướng tới phạm trù tâm lí thường thấy, Điểm bùng phát bám chặt và sử dụng rất nhiều các ví dụ thực tế, tuy nhiên, một khối lượng lớn các ví dụ đến từ các nền văn hóa khác biệt (Châu Âu) được liệt kê liên tiếp với cường độ dồn dập sẽ khiến các bạn đọc Việt Nam có thể gặp khó khăn trong việc hiểu thấu.

Nhịp diễn giải khá nhanh và chuyển ý liên tiếp, ở một số luận cứ, các kết luận chưa thật rõ ràng, vì vậy, chương 2 sẽ gây khó khăn tương đối lớn trong việc bắt kịp tư duy của tác giả đối với đa phần bạn đọc – những người thường thiếu chuyên môn.

4. CHƯƠNG 3: YẾU TỐ KẾT DÍNH

Tiếp theo, chúng ta sẽ được chứng kiến một đại dịch khác: Sesame street, Blue’s clues – những virus giáo dục.

Cuối thập kỷ 1960, Joan Ganz Cooney đã khởi phát một đại dịch mới. Mục tiêu Joan hướng tới là những đứa trẻ từ ba đến năm tuổi. Tác nhân lây nhiễm là truyền hình và thứ virus bà muốn phát tán là học tập. Chương trình có thời lượng chẵn một giờ đồng hồ và được phát liên tục năm ngày một tuần, với hi vọng nếu chừng đó thời gian đủ sức lây truyền thì chương trình sẽ trở thành một Điểm Bùng Phát mới trong giáo dục: đem đến cho những em có hoàn cảnh khó khăn một bài học vỡ lòng trước khi bước vào bậc tiểu học, phát tán đi các giá trị tiền học đường từ những người theo dõi chương trình tới những người không theo dõi. Trái ngược với những định kiến về việc nhiều chương trình ti vi có thể gây nghiện, Sesame Street đã đạt được thành tích diệu kỳ đối với mục đích của mình.

Thành công của chương trình Sesame Street khi tạo nên một hiệu ứng xã hội thực tế trên số lượng lớn trẻ em và cha mẹ chúng là ví dụ khá hấp dẫn cho chủ đề “Điểm bùng phát”. Từ đây Malcolm Gladwell đã đặt câu hỏi về những nguyên nhân dẫn đến thành công bất ngờ của một ý tưởng được gọi là táo bạo vào thời điểm đó – một ý tưởng đã tạo nên “đại dịch” mới trong ngành giáo dục bấy giờ.

Câu trả lời nằm ở Quy tắc kết dính – làm cách nào để liên kết các sự vật một cách hoàn hảo nhất để đạt tới ngưỡng của hiệu ứng “bùng phát” ?

 Trọng tâm của việc “kết dính” rất đơn giản, tác giả sẽ chỉ cho bạn thấy: Có một cách đơn giản để gói gọn những thông tin, mà trong những hoàn cảnh phù hợp có thể khiến cho những thông điệp đó hấp dẫn, không cưỡng lại được. Tất cả những gì chúng ta phải làm là tìm ra phương cách đó.

Ta thấy Malcolm đang dần trở nên chậm rãi và từ tốn hơn. Có thể là do đối tượng đặc xét đang chuyển sang trẻ nhỏ, và do bản chất của Quy tắc kết dính không yêu cầu sự đa chiều, đa đối tượng như Quy tắc thiểu số.

Vì vậy, bạn có thể thấy nhẹ nhõm hơn khi đọc tới chương này; việc giảm bớt tính đa chiều giúp độc giả không mất quá nhiều công sức để “chạy” theo tác giả từ mặt này sang mặt khác của vấn đề sẽ giúp họ tập trung và hiểu vấn đề hơn, mang lại hiểu quả tiếp thu một cách dễ dàng.

5. ĐIỂM BÙNG PHÁT- CHƯƠNG 4: SỨC MẠNH CỦA HOÀN CẢNH

Điểm bùng phát

Chương 4 là một câu chuyện rất dài (có khối lượng lớn nhất trong cả 3 chương), mang lại bí quyết mấu chốt trên cả quãng đường thấu hiểu, làm chủ và thậm chí là điều khiển “điểm bùng phát” theo ý muốn của bạn.

Khác với các chương trước – xoay quanh các mối tương quan cá nhân thì ở chương 4, tác giả lại đem chúng ta tới với các công việc tập thể và tính chất nhóm, đội.

Malcolm Gladwell đã đặt ra câu hỏi: Liệu có một quy tắc đơn giản và mấu chốt để có thể phân biệt một nhóm có quyền năng “xã hội” thực sự với những nhóm không có một chút sức mạnh nào?

Và câu trả lời là: Có

Bí mật nằm trong một quy tắc được gọi tên là: Quy tắc 150.

Việc chứng minh tính ảnh hưởng của các nhóm đến “điểm bùng phát” và giải quyết các câu hỏi xung quanh quy tắc 150 đã tốn trên dưới nửa cuốn sách của Malcolm. Nhưng điều đó là rất đáng, khi mà thứ bạn thu về sẽ là một “công thức” làm ra “điểm bùng phát nhân tạo”, phục vụ nhu cầu phủ sóng một thứ gì đó của chính bạn. Điều này sẽ cực kì hứa hẹn với những ai đang có ý định kiếm tiền online, marketing, quảng cáo,… trong hiện tại, hoặc thậm chí là tương lai.

6. LỜI KẾT

Cuốn sách có rất nhiều ví dụ, và cách tác giả của chúng ta phân tích cũng không hẳn là dễ dàng đối với những người không có chuyên môn, nhưng “Điểm bùng phát” vẫn rất xứng đáng có mặt trên giá sách của bạn.

Bây giờ, việc hiểu nó có thể hơi khó khăn với một số người, nhưng tôi chắc rằng bạn sẽ cần nó cho tương lai – một tương lai của xã hội toàn cầu liên kết, khi mà những cơn sốt và hiện tượng thời thượng là công cụ phổ biến mang lại những món hời vật chất và tinh thần to lớn.

Cám ơn bạn đã đọc bài review của blog, nếu có thể hãy mua sách tại đây để ủng hộ blog con học giỏi nhé. Thanks 😀

Điểm bùng phát

XEM GIÁ BÁN TẠI FAHASA                   hoặc            XEM GIÁ BÁN TẠI TIKI  

 CTV: Happy Day

2
Để lại bình luận

avatar
100
1 Comment threads
1 Thread replies
0 Followers
 
Most reacted comment
Hottest comment thread

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  Subscribe  
Notify of
Bon
Guest
Bon

🤣 cái câu dẫn..
Bài viết rất hữu ích
Mọi người nhớ giữ sức khỏe 😷