Review sách ngày xưa có một chuyện tình
REVIEW SÁCH

Review sách ngày xưa có một chuyện tình

Đúng như tên gọi, Ngày xưa có một chuyện tình là một câu chuyện cảm động khi người ta yêu nhau, nỗi khát khao một hạnh phúc êm đềm hay đơn giản chỉ là chuyện chuyện từ thuở thiếu niên tới lúc thành lập gia đình của 3 con người trẻ tuổi, và giữa họ có một thứ gọi là tình tay ba.

Tác giả Nguyễn Nhật Ánh là ai?

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng viết trong tác phẩm của mình rằng: “Tình bạn là mảnh đất màu mỡ để tình yêu gieo xuống hạt giống của mình.” Có lẽ ai trong chúng ta, cũng từng trải qua một cảm xúc lạ chẳng biết gọi tên là gì thời đi học – thời chúng ta còn bồng bột. Bỗng hôm ấy, đứa bạn cùng bàn của mình trở nên dễ thương hơn mọi ngày. Hôm ấy, mình muốn quan tâm và lo lắng cho nó nhiều hơn.

Cũng từ hôm ấy, vì nó mà đôi  lúc lòng mình  mang những tâm sự chẳng biết kể thế nào, và kể cho ai. Được mệnh danh là nhà văn cho tuổi mới lớn, Nguyễn Nhật Ánh tiếp tục cho ra đời tác phẩm truyện dài mang tên: “Ngày xưa có một chuyện tình”. Được kết tinh và mài dũa qua ngòi bút hiện thực nhưng đầy lãng mạn, tác phẩm là bức tranh tuyệt đẹp về tình yêu tuổi mới lớn, điểm vào đó là những bông hoa rực rỡ của tình bạn nơi hai chàng trai cùng thương chung một cô gái.

Nói đến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, có lẽ chúng ta đều nhớ tới “Kính vạn hoa”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cô gái đến từ hôm qua”,… và nhiều tác phẩm khác. Ông có những tác phẩm xuất sắc đã được các đạo diễn chú tâm và dựng thành phim. Với giọng điệu dí dỏm pha nét lãng mạn, cùng sự quan sát tinh tế qua đôi mắt trẻ thơ, tác phẩm của ông nhanh chóng và dễ dàng đi sâu vào tâm trí đọc giả, đặc biệt là những thanh thiếu niên tuổi mới lớn. Ông thường viết về những câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng của tuổi học trò chốn làng quê, những kỉ niệm khó phai trong tuổi thơ mỗi người và cả những “câu chuyện trải đời” của “những đứa trẻ con”.

Vẫn là lối viết nhẹ nhàng với chủ đề tình cảm, “Ngày xưa có một chuyện tình” lại mang đến một màu sắc hoàn toàn mới. Với những tình tiết cao trào, tác phẩm khiến bạn đọc nóng lòng, không thể dừng tay trên trang giấy để biết tiếp câu chuyện đằng sau.

Chuyện tình tay ba, một đề tài không mới

Ngày xưa có một chuyện tình

Mở đầu bằng cuộc trò chuyện giữa Phúc và bé Su trong vườn ổi của ông Sáu Thôi (ba của Vinh), tác phẩm là một chuỗi diễn biến xen kẽ các tình tiết lúc trưởng thành và thời còn là học sinh của ba nhân vật chính: Miền, Vinh và Phúc. Vinh và Phúc là đôi bạn thân, cả hai đều đem lòng yêu thương cô bạn Miền học cùng lớp mình.

Tình cảm của Vinh được thể hiện ngay từ những chương đầu của tác phẩm, còn tình cảm của Phúc thì âm thầm, lặng lẽ và khó đoán. Miền và Phúc trở thành một cặp, trong sự đau lòng của Vinh. Cho đến ngày Phúc bỏ đi không một tin tức, để lại cả một dấu lặng trong lòng người đọc, đặc biệt là với Miền.

Một tình yêu ngang trái…

Những ngày không có Phúc, câu chuyện giữa Miền và Vinh đã nảy sinh. Câu chuyện quá khứ của Miền và Phúc dần được hé lộ cho Vinh, bên cạnh đó là kết quả mà bản thân Miền không thể ngờ tới. Cùng với sự suy nghĩ và dằn vặt, Miền kết hôn với Vinh. Cuộc sống diễn ra êm đềm cho tới ngày Phúc đột nhiên quay lại. Câu chuyện được đẩy lên cao trào khi Phúc khuyên Miền bỏ lại tất cả và ra đi theo mình. Trong suốt hai tiếng đồng hồ Phúc chờ dẫn Miền đi ở gốc cây, tâm trạng của từng nhân vật được bộc lộ một cách rõ ràng và chân thực nhất. Họ day dứt như chưa từng day dứt, đấu tranh như chưa từng đấu tranh. Day dứt vì quá khứ, đấu tranh cho hiện tại để hướng đến tương lai.

Nhận vật Vinh trong tác phẩm “Ngày xưa có một chuyện tình”

Đầu tiên tôi muốn nói đến Vinh – nhân vật tôi thích nhất. Đối với tôi, Nguyễn Nhật Ánh đã xây dựng cậu như một người hùng trong tình bạn lẫn tình cảm. Cậu luôn tôn trọng và bảo vệ người bạn thân của mình là Phúc. Còn đối với Miền, Vinh dành cho cô những quan tâm nhỏ nhặt cách âm thầm và lặng lẽ. Tình cảm ngây ngô của Vinh lớn dần theo năm tháng, để rồi cậu trở thành một người sống vì cô, dành hết tất cả những điều tốt đẹp nhất chỉ để cho cô và để cô hạnh phúc. Ghi điểm trong lòng tôi không chỉ là sự quan tâm và ấm áp của Vinh, mà còn là những lúc cậu trở thành chàng trai buồn thiu mang trong lòng cơn mưa không biết bao giờ dứt vì Miền. Tâm sự của cậu, qua ngòi bút của tác giả trở thành những dòng cảm xúc xuyên thẳng vào tim tôi, mang đến cho tôi cảm giác chạnh lòng, về những ngày tôi cũng từng như cậu.

Nhân vật Phúc thì sao?

Nói đến Phúc – bạn thân của Vinh, tôi ấn tượng với cách cậu trân trọng tình bạn của mình. Luôn giúp đỡ, cùng bạn mình chia sẻ mọi chuyện buồn vui, cậu trở thành tri kỉ đúng nghĩa của Vinh. Nhận ra bản thân mình cũng thích Miền, cậu luôn tìm cách giữ im lặng và kín đáo, không để Vinh phát hiện ra, vì cậu biết, như vậy Vinh sẽ buồn lắm. Đã có lúc cậu toan cướp mất hạnh phúc của Vinh chỉ vì bản thân mình, nhưng kỉ niệm về tình bạn thời niên thiếu đã thay đổi cậu vào phút cuối. Quãng thời gian không thể nào quên được cùng Vinh vào những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường đã khiến cậu đành lòng để lại mối tình xưa cũ, nhằm bảo vệ, gìn giữ, trân trọng và giữ mãi vẻ đẹp của tình bạn ấy. Có lẽ đối với Phúc, tình bạn giờ đây quan trọng hơn cả.

Câu chuyện tình của những tâm hồn cao cả

Cuối cùng là Miền. Tuy cô được nhắc đến xuyên suốt câu chuyện, nhưng cảm xúc của cô chỉ được tác giả thể hiện vào những phần cuối của tác phẩm. Theo bản thân tôi, Miền như một chiếc bóng lượn lờ trên tình bạn của Vinh và Phúc. Ấy vậy mà, chiếc bóng ấy đưa tình bạn của họ lên cao trào, mang đến cho cả hai nhân vật nam cảm giác của tình yêu đầu đời. Nơi Miền của những ngày trưởng thành, tôi nhìn thấy được khát khao hạnh phúc của một người phụ nữ. Tác phẩm không quá chú trọng Miền như Vinh và Phúc, nhưng lại thể hiện phần nào tấm lòng người phụ nữ Việt Nam.

  Đối với truyện dài lần này, điều làm tôi ấn tượng sâu sắc không chỉ là cốt truyện đầy tình tiết bất ngờ, nhưng còn là lối kể tôi chưa từng được thấy trong tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Xuyên suốt tác phẩm, cứ thỉnh thoảng lại xuất hiện cuộc đối thoại giữa một cậu bé bảy tuổi và một người chú trong vườn ổi. Cứ mỗi khi cuộc đối thoại ngắn kết thúc, lại là sự liên tưởng của người kể về câu chuyện trong quá khứ. Về sau, ta có thể nhận ra đó chính là cuộc trò chuyện giữa Phúc và bé Su. Bằng việc bắt đầu bằng cuộc hội thoại mang tính trừu tượng so với cốt truyện, tác giả dẫn dắt người đọc vào thế giới của chính nhân vật trong bối cảnh mà ông muốn nói đến.

Hơn nữa, “Ngày xưa có một chuyện tình” đi sâu vào tâm hồn tôi như vậy bởi lẽ tôi được hiểu rõ từng cảm xúc của từng nhân vật. Nguyễn Nhật Ánh vô cùng tinh tế và sáng tạo. Ông liên tục thay đổi ngôi kể từ Phúc sang Vinh, từ Vinh sang Miền. Nhờ đó, với cùng một tình tiết, cùng một chủ đề, bạn đọc được đặt mình vào góc nhìn của cả ba nhân vật. Với bản thân tôi, tôi có một cái nhìn bao quát hơn cho câu chuyện mà tôi đang theo dõi. Một sự thương cảm tột độ cho Vinh, sự cảm thông cho Phúc, và những đồng cảm với Miền. Chính việc liên tục thay đổi ngôi kể như thế đã cuốn tôi hoàn toàn vào tác phẩm của ông. Tôi hóa thân mình thành Vinh,thấm thía những dòng suy tư của Phúc, cảm nhận nỗi lòng của Miền. Nhiều lúc, tôi cảm thấy mình đang sống trong ngôi làng của ba nhân vật chính.

Ngày xưa có một chuyện tình là một tác phẩm hay của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Tác phẩm lần này có lẽ không còn đơn thuần là truyện cho thanh thiếu niên, nhưng hoàn toàn có thể là một câu chuyện dành cho những người đã lớn. Khi tôi 15  tuổi, tôi cảm thấy tác phẩm như lời kể của những người đã trải đời, bên cạnh đó mang lại cho tôi cái nhìn mới về tình cảm. Nhưng đối với những người đã lớn, tôi nghĩ đây sẽ là một bức tranh hoài niệm. Hoài niệm về thời học trò với những tình cảm ngây ngô mới lớn rồi sâu đậm dần qua thời gian. Tác phẩm càng về sau, càng là những dòng tâm sự đầy cảm xúc của những người đang dần trưởng thành,  có lẽ sẽ là nhật kí tình cảm của mỗi người ở độ tuổi như nhân vật trong truyện. Và nếu là tôi của 10 hay 20 năm nữa, tôi tin chắc rằng mình sẽ có cảm nhận sâu sắc hơn rất nhiều về “Ngày xưa có một chuyện tình.”

Đối với tôi, tác phẩm như hành trang được chuẩn bị sẵn để tôi tiến vào con đường trưởng thành. Tôi có cái nhìn hiện thực hơn về tình yêu đôi lứa, rằng: tình yêu không chỉ đơn thuần là hạnh phúc, nhưng là sự hi sinh, chia sẻ và cảm thông cho nhau. Đôi khi, cuộc đời không như chúng ta nghĩ, điều hôm nay thuộc về mình, đôi khi chỉ sang ngày mới, sẽ không bao giờ thuộc về mình nữa.  Trong cuộc sống, có những điều tuy tốt đẹp, nhưng chúng ta phải can tâm bỏ, để giữ gìn và trân trọng điều tốt hơn.

 Tác phẩm còn dạy cho tôi cách đặt bản thân mình vào hoàn cảnh của người khác, để hiểu, để cảm thông và tha thứ cho những hành động mà bản thân cho là sai trái. Không có ai trên thế gian là hoàn hảo cả, nhưng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn khi con người biết suy nghĩ và tha thứ cho nhau. 

Bạn đọc có suy nghĩ gì về tác phẩm “Ngày xưa có một chuyện tình“, hãy để lại comment bên dưới, cũng như là ủng hộ blog con học giỏi các bạn nhé 🙂

Xem giá bán tại Tiki

 

2
Để lại bình luận

avatar
100
1 Comment threads
1 Thread replies
0 Followers
 
Most reacted comment
Hottest comment thread

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  Subscribe  
Notify of
Younggg
Guest
Younggg

Wowww 🤩 bài viết hay quá